|
- Trích từ
http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/
- Tết nguyên đán - Một giá trị tâm linh
của văn hoá gia đình Hà Nội
Với người Hà Nội, ngày Tết Nguyên Đán có một giá trị tinh thần rất lớn.
Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong gia đình và
cả cộng đồng mà ta có thể gọi chung là một giá trị tâm linh của Văn hoá
Gia đình Việt Nam. Bởi trong những ngày Tết, mọi việc chỉ diễn ra trong
gia đình với tất cả những thuần phong mỹ tục từ nhiều đời truyền lại, cuốn
hút tất cả mọi người. Trong những ngày Tết, người Việt Nam hoàn toàn tuân
theo những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng, cái bí ẩn, tôn thờ những
giá trị không vụ lợi mà rất trừu tượng, mông lung, có thể coi chúng là đời
sống tâm linh.
Nếu trong thời thơ ấu, ta chờ mong Tết để được mặc quần áo mới, được ăn
bánh chưng, được chạy nhảy vui đùa thoả thuê, thi khi tóc đã pha sương, ta
lại cảm nhận cái Tết cổ truyền thắm đượm tình người trong trời đất, sâu
thẳm nơi cội nguồn bản thể mà gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nó. Những
phong tục tập quán đậm đặc trong mấy ngày Tết diễn ra trong các gia đình,
tạo thành nếp nhà, làm nên một giá trị tâm linh của văn hoá gia đình. Nhờ
những ngày Tết, con người được trở về với chính mình. Dù ai đi đâu, ở đâu
thì những ngày Tết cũng phải trở về với gia đình, tuân theo những tục lệ
thiêng liêng, làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông
bà, cha mẹ, vợ con và người thân ruột thịt một cách tự nguyện, đầy mẫn cảm.
Những ngày đó con người xã hội lắt léo tạm biến đi, nhường chỗ cho con
người cá nhân chân thật, đầy tình cảm, đầy thương yêu, nhân nghĩa... sống
dậy trong mối giao cảm thiêng liêng với Trời, Đất, với cõi thiêng, với
người ruột thịt qua các tục lệ trong nhà như: lễ cúng Ông Táo, lễ Tống Cựu
Nghinh Tân, lễ tiễn ông vải, lễ cúng giao thừa, xông nhà, chúc Tết, mừng
tuổi, thăm hỏi họ hàng... Có thể nói mỗi một cái lễ là một bài học giáo
dục trực quan, luồn lách trong tâm khảm mỗi con người, khơi dậy cái thiện,
xoá đi cái ác. Vì thế trong các ngày Tết, con người ai cũng tốt hơn, và
mong mỏi cho người khác tốt hơn, đẹp hơn. Họ chúc nhau "Năm mới vạn sự tốt
lành", "Năm mới an khang thịnh vượng". Lời chúc đó xuất phát từ cái tâm
lương thiện, nên nó chân thật, không phải là những lời giả dối. Vì những
tục lệ ngày tết có giá trị văn hoá cao như vậy, nên xin các bà mẹ, bà vợ,
người con dâu trong nhà đừng bỏ qua nó, mà hướng tâm chu đáo trong mọi
việc lễ đó để khơi dậy cái tâm, cái đức trong con người và kéo mọi thành
viên trong gia đình về với tổ ấm của mình.
Người Hà Nội từ bao đời nay vẫn nhớ Tết ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp
hàng năm. Ngày hôm ấy là ngày gia đình tiễn Vua bếp của nhà mình lên Trời
để kính báo với tổ tiên, trời đất cái sự làm ăn, đời sống bếp núc, đời
sống gia đình vợ chồng, con cái trong một năm qua. Từ sáng sớm, người ta
ra các chợ mua lễ vật về cúng. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã
còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và ba con cá chép con. Cúng xong thì
thả ba con cá chép ra hồ. Hà Nội có nhiều hồ, trong đêm Táo quân, người ta
toả ra các hồ thả cá, vừa là nét đẹp văn hoá, vừa là sự nhắc nhở con người
hãy quan tâm đến môi trường. Và cảnh các bà, các chị, các em gái hăm hở đi
sắm lễ cúng ông Táo khắp phố phường Hà Nội, là sự hiện hữu của một cuộc
sống yên bình. Nhà nhà bình yên, no đủ, ấm áp, xã hội bình yên. Hạn phúc
thật sự đang hiện diện trong mỗi người, mỗi nhà qua bếp lửa gia đình do
Táo quân cai quản. Đặc biệt hôm ấy là ngày hội của những người đàn bà
trong gia đình. Sáng sớm người mẹ gọi con dâu, con gái cùng dọn dẹp lau
chùi bếp, như để suy ngẫm xem một năm qua nó có luôn đỏ lửa không? Và nếu
chẳng may nhà nào một năm qua để bếp lạnh tro tàn thì đó là nỗi bất hạnh
lớn. Tết ông Táo nhắc mỗi chúng ta đừng để tắt bếp lửa nhà mình. Sau Tết
ông Táo là lễ tết ông Vải. Trước lễ giao thừa vài ngày, người ta đem hết
cả chân nhang bát hương đốt đi và thay tro vào bát hương. Nhân lúc con
cháu dọn dẹp, bày biện lại bàn thờ, ông Vải thừa dịp đi chơi vài ngày để
chờ lễ giao thừa lại trở về ăn Tết cùng con cháu trong nhà. Đây là sự
chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tâm linh diễn ra trong nhà những ngày Tết. Lễ
Tống Cựu Nghinh Tân được diễn ra gần lễ giao thừa. Người ta quét dọn nhà
cửa sạch sẽ, mọi đồ vật được lau chùi, sắp đặt lại. Tất cả mọi ngóc ngách
trong nhà như được thổi vào luồng sinh khí mới để đón phúc chuyển vần vũ
trụ từ năm cũ sang năm mới. Hay nhất là tục tắm lá mùi, sáng 30 Tết, người
mẹ đi chợ Tết không quên mua mớ lá mùi già về nấu nước thơm cho cả nhà
cùng tắm. Hương lá mùi thơm phức gian nhà đêm 30 Tết giá lạnh làm cho
không khí ấm áp lạ thường. Ngày còn bé được tắm lá mùi, hương thơm của nó
thấm ngọt làn da, tôi cứ ngỡ mình là công chúa được nuôi trong cành vàng
lá ngọc, được tắm nước thơm huyền diệu, cao sang. Càng lớn lên tôi càng
hiểu cái niềm vui sang trọng của cô bé chân đất ấy được bắt nguồn từ tục
lệ dân gian, từ bàn tay chăm sóc dịu hiền của mẹ. Ngày nay, khi đã làm vợ,
làm mẹ tôi lại mua lá mùi về tắm cho chồng, cho con đêm 30 Tết. Và tôi cảm
nhận đó là thư hương của Đất, cho ta một sức sống diệu kỳ để ta tiếp tục
hành trình cùng vòng tuần hoàn của vũ trụ.
Thiêng liêng nhất là lễ cúng giao thừa. Đây là giây phút gặp gỡ linh diệu
của từng người với các vị thần trong nhà, với các bậc tổ tiên, ông bà,
người thân đã khuất và cũng là cuộc gặp gỡ giữa con người và Trời - Đất
trong khoảnh khắc vũ trụ chuyển vần. Trong lễ cúng giao thừa, nhà nào cũng
chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên với đủ các món ăn truyền thống: thịt mỡ, dưa
hành, bánh chưng xanh, hoa trái, và một mâm cỗ cúng giao thừa ở ngoài trời.
Đúng giao thừa, trên bàn thờ gia tiên thơm hương khói, đèn nến lung linh
huyền ảo, chắp tay cung kính, im lặng giữa khói hương ta gặp tổ tiên. Cuộc
gặp gỡ vô hình này tạo nên một giá trị tâm linh mà thiếu nó, con người
không thể trở thành người. Ngoài sân, bên mâm cỗ cúng giao thừa ở ngoài
trời, mỗi người lại có dịp được nối mình với vũ trụ trong phút thiêng
liêng. Văn hoá dân gian quan niệm con người ta sống trong Trời - Đất. ở
Thiên đình cũng có tổ chức quan quân trông coi hạ giới. Mỗi năm, đến phút
giao thừa, Thiên đình lại thay tốp quan mới nên các cụ ta làm mâm cỗ cúng
Trời, tiễn đưa người cũ, đón người mới về, hy vọng một năm làm ăn yên ổn,
mưa thuận, gió hoà, không bị nạn tham nhũng quấy nhiễu. Ngoài ý nghĩa tâm
linh ấy, mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời làm cho đêm 30 Tết thêm linh
thiêng, huyền ảo bởi ánh đèn, hương nến cháy đỏ bập bùng trong bụi mờ
sương khói, ghi đậm một ấn tượng giao lưu giữa con người với Trời Đất. Đây
cũng là giây phút con người tiếp nhận năng lượng của trời đất qua không
khí êm dịu của đêm tĩnh lặng. Sau phút giao thừa là tục hái lộc, xông nhà,
chúc Tết, mừng tuổi, mừng thọ. Đây là cuộc gặp gỡ đẹp nhất, thân thương
nhất, ấm áp nhất của những người thân trong gia đình mà đau đớn cho những
ai phải xa nhà trong giây phút thiêng này.
May mắn cho những người có văn hoá, có gia đình hôm nay được đón Tết trong
một cảm quan văn hoá dân tộc cao siêu. Chúng ta xin chắp tay vái lạy Ông
Bà, Tổ tiên đã cho ta những phong tục đẹp trong ngày Tết. Những phong tục
đó có một sức hấp dẫn lạ kỳ vì nó gợi về sức sống bên trong của mỗi con
người trong một bản thể tự do. Mỗi chúng ta được tắm mình trong phong tục
đó như được trở về với bản ngã, quay về cõi linh thiêng mà ta quen gọi là
cội nguồn, hướng tới không gian Trời - Đất mà đôi khi mải vật lộn với cuộc
sống sinh tồn nghiệt ngã, ta chót quên đi bên ta còn có ông Vải, Thánh
Thần, Trời, Đất.
Qua những giây phút sống trong phong tục đẹp đẽ của gia đình Hà Nội mấy
ngày Tết, ta mới hiểu gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng đời sống tâm linh
của mỗi người. Mà con người sở dĩ trở thành con người, một phần căn bản là
do có đời sống tâm linh. Những giá trị tâm linh mà gia đình mang đến cho
mỗi người hết sức bền vững. Đời sống tâm linh, đó chính là hạt nhân bất
biến của gia đình và văn hoá gia đình. Xét cho cùng, con người cần tổ ấm
gia đình tức là cần có giá trị tâm linh để duy trì sự sống của mình trên
một bình diện văn hoá mà chỉ ở đó con người mới có. Những phong tục đẹp
trong ngày Tết diễn ra trong các gia đình Việt Nam còn là bài học đầu tiên
về mối quan hệ giữa người với Trời - Đất, để con người tìm cách sống hoà
nhập với thiên nhiên theo nguyên lý Thiên - Địa - Nhân hợp nhất của triết
học Phương Đông. Vì vậy chăm sóc những giá trị tâm linh mà văn hoá gia
đình đem lại là phù hợp với bản sắc dân tộc và thời đại. Nó sẽ giúp con
người trở thành Người trong sự hợp nhất với vũ trụ
Mai Thục (Tinh hoa Hà Nội)
|
-
Sắc
Thái
Tết
-
Lễ Chùa Đêm 30
Bánh Chưng Bánh Dầy
Về Với Cội Nguồn
Phong TụcNgày Tết
Xông Đất
-
Tết Miệt Vườn
Tết M'Nong
-
Giá Trị Tâm Linh
-
Câu Đối Tết
Trò Chơi Xuân
-
Xuân Và Tết
-
Tết Đoan Ngọ
2004
|