Thứ Bảy, Ngày 5 Tháng 4 , Năm 125
Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

Hà Phương Hoài

Cơ Trời Vận Nước 

Chương Bảy (tiếp)

 

Khi hai người vừa bước vào ngõ thì con chó vàng từ trong nhà chạy ra sủa râng. Khi thấy có cô chủ nó vẫy đuôi mừng nhưng vẫn còn gầm gừ. Khả Ái la:

- Vàng im, vào nhà đi.

Như hiểu được tiếng chủ con vàng cụp đuôi lấm lét đi ra phía vỉa hè nằm xuống nhưng vẫn chưa hết ấm ức, tiếp tục gầm gừ.

Nghe tiếng chó sủa, Cấn từ trong nhà bước ra, ngỡ ngàng nhìn người khách lạ, bỗng vui mừng la lớn:

- Phải chú Tuấn đó không?

Tuấn chưa kịp trả lời, Khả Ái đã nói lớn:

- Tưởng anh đã quên ảnh rồi chứ!

- Quên thế nào được! À, mà làm sao hai người lại gặp nhau? Em đi vô Bác Bảy sao về sớm thế, tưởng mai mới về.

- Hỏi gì nhiều thế! Vô nhà rồi hãy nói tiếp.

Nghe tiếng huyên náo ba má Cấn chạy ra, trong lúc đó Tuấn cũng vừa bước vô cửa.

- Ai đây, có phải thằng Tuấn đấy không?

- Thưa hai Bác, dạ chính cháu là Tuấn đây.

Ông lão đưa tay choàng qua vai Tuấn âu yếm nói:

- Hai bác tưởng chẳng bao giờ còn gặp con nữa chứ. Con Ái nó nhắc đến con hoài.

- Ba nầy kỳ quá hà!

Rồi nàng vụt chạy ra nhà sau. Ông Mười dìu Tuấn đến bộ trường kỷ, ngồi xuống nói:

- Con lớn quá rồi nhỉ.

Bà Mười chêm vào:

- Bộ thằng Cấn còn nhỏ lắm sao? Ông già nầy rõ lẩm cà lẩm cẩm. Thôi mấy người nói chuyện với nhau tôi xuống bếp làm cơm cho chúng nó ăn. Chắc hai đứa nó cũng đói rồi.

- Ðúng rồi bà, làm một vài món nhậu, để ba cha con, bác cháu say một bữa!

Bà Mười đi xuống bếp. Ông Mười hỏi Tuấn đủ điều nhưng Tuấn chẳng dám nói thật về những kỳ duyên của mình. Ngay cả chuyện chàng được sư cụ thành toàn cho trên đường võ học. Ba người ngồi uống tới khuya thì ông Mười say mèm nằm ngay trên bộ ngựa gõ ngáy như sấm.

- Ông già dạo nầy yếu lắm, chỉ cần vài sợi rồi thì chỗ nào ổng cũng lăn quay ra ngáy.

- Bác già rồi, làm sao bằng hồi trẻ được. Nhưng dù sao hôm nay bác được một bữa vui thoải mái phải không anh Cấn?

- Bây giờ đến phiên chúng mình tâm sự cho phỉ chí.

Ðược dịp Tuấn hỏi ngay.

- Có điều em thắc mắc là... làm sao anh thoát được đại nạn hôm xảy ra vụ thảm sát sư môn.

- Hôm ấy sau khi thấy cường địch xuất hiện quá đông, thầy sai anh tức tốc đi báo cho sư cụ và em hay. Nhưng khi anh tới nơi thì không thấy em và sư cụ ở đó. Anh đi sâu vào tịnh xá, thấy đồ đạt lung tung và đổ nát. Anh bèn chạy thẳng ra nơi em nhập quan, cũng chẳng có dấu vết gì anh mới đi ra ngoài suối, rồi tự nhiên anh bị đánh lén ngất xỉu.

Nói đến đây Cấn chậm rãi nâng chung rượu lên uống một hớp, để chung rượu xuống hắn gắp một miếng mồi bỏ vào miệng, mắt nhìn ra cửa. Trời đã sắp hết đông, khu xóm chùa lại ở xa phố thị cho nên yên lặng đến rợn người. Tuấn dù nóng ruột muốn nghe nốt câu chuyện nhưng tôn trọng sự im lặng, chắc phải có lý do của người sư anh chàng. Thời gian lặng lẽ trôi qua, hai người với hai cảm nghĩ khác nhau. Bỗng có tiếng guốc lộp cộp từ nhà trong vọng ra, kéo họ về với thực tại.

- Khuya rồi mà mấy cha con chưa chịu đi ngủ. Cha mày đâu, gục rồi hả?

- Dạ thưa má, ba ngủ khò từ lâu rồi.

- Má biết trước, mới đem mền ra cho ổng đây. Vừa nói dứt câu bà xuất hiện trước hai người. Cấn đỡ cái mền bông từ tay bà Mười, quay qua trái đắp cho ông già.

Bà Mười đưa mền xong lại lộp cộp đi vào phòng trong.

- Anh kể tới đâu rồi nhỉ?

- Anh kể tới chỗ bất thần bị đánh gục.

- Ðến khi tỉnh lại thì thấy mình nằm trong một động đá còn sư cụ đang ngồi tĩnh tọa. Như vậy sư cụ, sư bác, cùng các thầy còn sống cả sao?

- Nếu tất cả còn sống hết thì anh đâu có ngồi xúc động lâu như vậy. Chỉ có một mình sư cụ là không hề hấn gì. Còn các ngài không biết đi đâu?

- Thế bây giờ sư cụ có còn tại thế không?

- Người vẫn khỏe mạnh, và thường cầu mong em được thoát nạn. 

- Người vẫn sống trong hang động? Tuấn thắc mắc.

- Cách đây hai năm, khi đất nước thay đổi thể chế thì người mới xuất động.

- Mai anh có thể cho em đi gặp người được không?

- Dĩ nhiên là được! Cấn vui vẻ hứa.

- Anh à, trong chùa ta làm gì có hang động nào đâu?

- Ở ngay sau thác nước chứ đâu.

Tuấn trước đây đã từng ngày ngày đến thác nước để tịnh tu nhưng chưa bao giờ thấy hang động nên nói:

- Sao em tĩnh tu ở đó lâu lắm mà không hề biết?

- Thật ra, đó chỉ là một cái hốc đá thì đúng hơn. Muốn vào trong hốc đá phải vần một khối đá lớn đàng sau màn thác nước cho nên không ai thấy.

- Tại sao sư cụ còn sống mà không tái lập lại Linh Sơn Tự?

- Anh có đưa điểm nầy bàn với sư cụ, nhưng sư cụ chỉ nói:

- Sợ trong vòng năm mươi năm tới đây, việc nầy khó thành tựu. Rồi đây nếu con có dịp gặp sư đệ Ngộ Kiếp con sẽ rõ!

- Em có thể cho biết nguyên ủy được không?

- Em cũng chẳng hiểu tại sao! Chờ khi gặp sư cụ em mới thỉnh ý người. Tuấn thoái thác và tiếp:

- Trong bao nhiêu năm ở gần sư cụ chắc anh phải được cơ may học được của Người nhiều lắm phải không?

- Học thì có nhưng anh không được cái thể chất, và thông minh trời phú như em đâu. Chính sư cụ luôn luôn ca ngợi em là một kỳ tài hiếm có trên đời. Nhưng tiếc quá...

- Sư cụ nói thế chứ thực ra em cũng chỉ tầm thường thôi.

- À, giờ nầy thiên hạ đã ngủ hết rồi, chúng ta ra sân thử vài đường, lâu lắm, anh không có dịp gặp người cùng môn phái để tập vợt lại.

- Anh đã được chân truyền của sư cụ thì chắc chắn phải vượt xa em.

- Em mới là người được chân truyền của sư cụ. Sư cụ đã nói hết cho anh nghe rồi, thôi em đừng dấu nữa.

Dù Cấn nói thế nhưng Tuấn vẫn không chối từ một cách thẳng thừng.

- Thôi thì chuyện đó trước sau gì rồi cũng trắng đen rõ ràng. Bây giờ chúng ta quần thảo với nhau một hồi đã.

Vừa dứt lời, chẳng để cho Tuấn chuẩn bị, Cấn đã nhẩy vào tấn công tới tấp.

Tuấn nghĩ thầm:

- Chà cái anh chàng nầy tính tình cũng như xưa.

Nhưng Cấn đâu rõ, Tuấn đã đạt đến cảnh giới cao nhất của võ thuật, cho nên không cần phải ra chiêu nghênh địch như thường tình. Vô lực Thần công tự nhiên vận chuyển và điều khiển tính phản xạ có kỹ thuật, tâm thân hợp nhất. Tuấn chỉ dùng những chiêu căn bản của bổn môn để hóa giải thế tấn công bất thần của Cấn.

- Hay lắm, sư cụ nói không sai! Cấn nói và vẫn tiếp tục tấn công Tuấn như vũ bão. Tuấn phá gỡ các thế hiểm độc của Cấn, Tuấn nhận thức Cấn không hề nói dối chàng vì Cấn đã dùng những thế võ độc môn mà sư cụ đã truyền thụ cho chàng trước đây.

Hai người quần thảo với nhau đến cả giờ đồng hồ, Cấn cố đem hết tất cả sở học của mình vẫn không thể lấn Tuấn một chiêu một thế nào. Mồ hôi hắn bắt đầu xuất như tắm, Hắn biết không thể hơn được Tuấn, bèn nhảy ra khỏi đấu trường nói:

- Anh dù tập thêm bao nhiêu năm nữa thì cũng khó mà thắng được em, dù chỉ nửa chiêu. Với khả năng của em như bây giờ anh tin rằng, em chưa bao giờ sao nhãng việc tập luyện có phải thế không?

- Dạ, em vẫn tập hàng ngày.

- Tại sao em chỉ dùng những chiêu tầm thường của sư môn để phá những chiêu thức độc môn của sư cụ mà vẫn thủ thắng là do những yếu tố nào?

- Có ba vấn đề đáng nói. Một là bất cứ chiêu thức nào, một khi ta đã tập thuần thục thì khi ra chiêu sẽ độc đáo hơn. Hai là ta dễ thủ thắng khi biết được dự tính của đối phương. Chắc anh biết rằng chúng ta là đồng môn, cho nên khi anh ra chiêu em đã đoán biết trước anh sẽ đánh như thế nào. Ba là khi em xuất chiêu em dùng những chiêu tầm thường để thủ thắng là em dùng kỹ thuật hư chiêu.

- Thôi kể đã cũng khuya lắm rồi, chúng mình đi ngủ, để mai còn đi gặp sư cụ.

- Phải đấy anh Cấn, em cũng mệt lắm rồi, vả lại ngày mốt em phải lên đường.

 

                                             *

 

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, bà Mười đã chuẩn bị xong thức ăn sáng, vào đánh thức Cấn và mọi người. Ông Mười đã đi ra thị xã lo công việc kinh doanh. Sau khi cơm nước xong, Cấn và Khả Ái đưa Tuấn đi gặp sư cụ.

Bọn họ băng qua khu rừng dừa. Dừa vừa được bốn năm tuổi cho nên trái rất nhiều. Khả Ái chạy tung tăng như một trẻ nít. Chạy từ cây nầy sang cây khác và trêu tức Tuấn để Tuấn rượt theo. Vì đang nức lòng muốn gặp sư cụ cho nên Tuấn không thiết tha để ý đến nàng. Cấn cản:

- Ái! Em có thể đứng đắn một chút được không? Ai đời con gái lớn rồi mà cứ như con nít mới lên năm lên mười, bộ không sợ người ta cười cho sao?

- Ai cười nhe mười cái răng ra! Miễn anh Tuấn không cười em là được rồi. Phải không anh Tuấn?

- Ai dại gì mà cười cô, Tuấn đỡ lời, cười cô, cô lại chảy nước mắt ra ngập cả vườn dừa thì khốn.

Khả Ái từ gốc dừa chạy lại đấm Tuấn thùi thụi, Cấn lại một lần nữa la em:

- Ái, có biết đứng đắn là gì không nào?

- Ai mà biết.

Thế là cô bé xịu mặt xuống.

- Không thèm đi với mấy anh nữa. Cứ làm như ta đây là ông cụ non cũng không bằng.

Nói xong, cô bé ù chạy về nhà, nước mắt tuôn xả.

Tuấn định chạy theo dỗ cô bé, nhưng Cấn kéo tay Tuấn lại nói:

- Em cứ kệ nó, một chút xíu sau nó sẽ hết khóc thôi. Cả nhà sợ nước mắt của nó chứ anh thì không bao giờ.

Hai người qua khỏi vườn dừa đến một khoảng rừng chồi, thấy một ngôi nhà lá thu mình trong mấy bụi tre già. Cảnh trí trông thật là thoát tục. Hai bên trái phải của lùm tre có rừng cây bao bọc như cánh tay long tay hổ. Trước mặt là giòng suối, bên kia suối là rừng dừa cao nghều nghệu, trông giống như hàng trăm ngọn bút, và ấn thật là tuyệt vời, khác với trong nam, dừa thường thấp lè tè, người ta có thể hái trái mà không cần thang. Tuấn đang say mê với một cảnh trí trông rất địa lý và hai người cũng vừa tới tịnh thất. Cấn hô to:

- Con là Cấn đây, đến thăm ông Hai, ông Hai có ở nhà không. Chờ một lúc lâu vẫn không thấy ai trả lời. Cấn nói:

- Chắc sư cụ không có ở nhà. Không thể được, đã lâu lắm rồi, sư cụ không bao giờ ra khỏi nhà. Mọi nhu cầu và tiếp liệu đã có nhà anh lo.

Tuấn lên tiếng:

- Hay là sư cụ thấy có em lạ cho nên không tiện lên tiếng.

- Con làm sao là người lạ đối với ta được! Có tiếng vọng từ trong nhà. Hai đứa tụi bây vào đi.

Tuấn và Cấn đồng thanh "dạ", rồi bước vào tịnh xá.

Vừa đẩy cửa bước chân vào, Tuấn đã thấy ngay một người phương phi đạo mạo râu tóc bạc phơ, ngồi trên bộ ngựa gõ, có lót thảm bồ đoàn. Tuấn vội vã chạy đến trước mặt, quỳ xuống vái lạy:

- Con xin ra mắt sư cụ.

Tuấn vẫn quỳ yên tại chỗ chờ lệnh của sư cụ.

- Tuấn, con hãy lại đây ta biểu.

Tuấn đứng dậy tiến đến bên cạnh lão thiền sư. Lão liền nhanh như chớp, chụp tay của Tuấn. Trong lúc bất thần, Tuấn phản đòn, tuy nhiên cách phát chiêu hoàn toàn có sự tự chủ cho nên vô lực thần công chỉ phát ra vừa đủ để hóa giải đối phương.

- Ta mừng con đã thành tựu cao hơn là ta tưởng.

Nói xong ông nắn tay và bóp chân của Tuấn như một đứa trẻ rồi cười ha hả tiếp.

- Con thật tốt phúc, đúng là chân truyền của dân tộc ta.

Tuấn không hiểu tại sao ông nói vậy nhưng không muốn thắc mắc mà chỉ nói bâng quơ:

- Sư cụ quá thương con cho nên mới nói như vậy chứ con có học được gì đâu!

Cấn thấy hai người đối đáp chẳng hiểu gì cả. Còn lão già thì ngửa mặt lên trời cười ha hả. Cười một lúc lão quay qua Tuấn nói:

- Tuấn, con hãy đi mua một lít rượu về đây để ta say với các con một bữa, 70 năm rồi ta chưa hề uống rượu, nhưng hôm nay phải phá giới vì mừng con đã trở lại với ta!

Tuấn đang đứng ngây người ra suy nghĩ tại sao sư cụ lại sai Tuấn đi trong khi Tuấn mới về đây, còn Cấn là người địa phương lại không sai đi.

Cấn là người ngay thẳng cho nên chẳng để cho Tuấn kịp phản ứng:

- Sư cụ để con đi, chứ em Tuấn mới về đây nên không biết đường đâu mà đi!

- Ừ nhỉ, ta quên mất, già rồi đâm lẫn.

Chẳng để lão thiền sư đồng ý hay không, Cấn quay đầu chạy ù, trong nháy mắt đã biến mất trong rừng dừa.

- Tuấn, con có biết tại sao ta lại sai con đi mà không sai Cấn?

- Dạ, thưa con chưa hiểu.

- Ta biết con hiểu, nhưng không muốn nói ra đấy thôi!

- Tại sao sư cụ lại nói thế?

- Ðơn giản thôi, khi con phản đòn của ta con cố ý dấu thân phận cho nên đã biến vô lực thần công thành chiêu Hóa Long Quá Hải trong Cửu Long Nhị Thập Bát Thức của Phong Trần đạo tiên hay sao?

- Thưa sư cụ, xin sư cụ xá tội cho đồ tôn.

- Không con không có tội, ngược lại, ta phải chúc mừng con vì con đã được cái phước trăm năm mới có một lần.

- Dạ... con chưa hiểu.

- Thứ nhất Phong trần Ðạo tiên là người bạn thân của đại sư tổ Huyền Không của con. Thứ hai, ngài đã hóa thân để đi vào cõi tiên. Tương truyền thỉnh thoảng ngài vẫn hạ thế để thu học trò. Chỉ có người mới có khả năng giúp con kiểm soát được ảnh hưởng của vô lực thần công khi bất thần bị tấn công.

- Việc nầy đâu có liên quan đến việc sai con đi mua rượu?

- Chẳng phải con trong bụng có chút nghi ngờ sư huynh con hay sao?

Bị đánh đúng tim đen, Tuấn ấp úng:

- Dạ.. Dạ.. con.. con..

- Con không cần phải bào chữa. Con làm vậy rất đúng. Vì ta cũng nghi ngờ hắn, nhưng trong năm năm qua hắn luôn luôn lo cho ta. Ta cũng đã truyền thụ hầu hết võ công của ta cho nó. Duy môn vô lực thần công thì ta không truyền, vì ta sợ sau khi truyền thụ môn võ nầy ta sẽ không còn mạng để gặp con ngày hôm nay!

- Thật ra con không nên có tâm địa xấu với sư huynh đệ, nhưng vì sự an toàn của sư cụ con mới làm như vậy.

- Nhưng tại sao con lại nghi ngờ hắn?

- Thưa sư cụ, anh ấy là đệ tử tục gia, sống ở trong chùa như con và còn sống sót sau ngày môn phái bị diệt vong mà lại không bị kẻ địch quấy phá. Trong khi đó con phải chịu biết bao lần tử sinh trong gang tấc.

- Hôm ấy sau khi ta nghe có nhiều tiếng nổ và lửa cháy ở Chùa ta bèn chạy ra tiếp cứu nhưng không còn kịp nữa, mọi người đều bị thảm sát. Ta chạy ra hướng bờ suối, thấy hắn đang từ phía Hậu sơn chạy tới, ta phải đánh hắn ngất xỉu vì không muốn hắn phát hiện ra ta. Khi cõng hắn tới khu mật thất, ta thấy các sư bác, sư chú của con đều nằm chết ở cạnh thác nước. Tất cả đều bị đạn bắn xuyên tâm mà chết. Trước khi bị bắn chết không thấy có triệu chứng đánh nhau. Sau nầy khi ta khám nghiệm tử thi ta thấy các sư bác, sư chú của con đều ngộ độc cả. Ðiều nầy chứng tỏ trong chùa có nội gian. Ta bèn lo chôn cất ngay các sư bác, sư chú của ngươi ở sau tịnh thất gần bờ suối. Vì không có bằng chứng cho nên ta chỉ nghi hắn mà không có hành động cụ thể nào cả. Cho chí bây giờ hắn cũng chẳng lộ một chút gì khả nghi. Sau đó ta cõng hắn đến một nơi an toàn khác cho đến khi mọi sự đều yên tĩnh mới về hang động sống thêm một thời gian nữa thì ra đây ở.

- Ðã nghi như vậy sao sư cụ còn truyền dạy võ học tối cao cho ảnh.

- Nhờ giả mù như vậy mà ta sống tới ngày hôm nay.

- À còn bác Sáu Tuyên sao con không thấy đâu hết.

- Trước hết ta cho con biết, Sáu Tuyên chính là phụ thân của con đấy.

- Sư cụ nói bác Sáu Tuyên là phụ thân của con, con có nghe lầm không?

- Con không nghe lầm đâu!

- Sao bác ấy luôn luôn xua đuổi con một cách tàn nhẫn vậy.

- Chẳng qua chỉ muốn giữ lại giọt máu cuối cùng của Nguyễn Tộc ta đấy thôi.

- Nếu như vậy thì sư cụ chính là ông chú của con phải không?

- Ðúng như vậy, tục danh của ta là Nguyễn Bổng.

- Vậy con là hậu duệ của nhà Nguyễn Tây Sơn.

- Không.

- Tổ nội của ta được Vua Quang Trung bổ nhiệm làm cận vệ cho Bắc Cung Hoàng Hậu. Khi nhà Nguyễn Tây Sơn bị bại, tổ của ta hộ giá hoàng hậu và hai hoàng tử chạy trốn. Khi vào tới Quảng Ngãi thì một hoàng tử bị đau nặng, tổ ta phải đi tìm thầy thuốc. Khi về tới nơi, hoàng hậu và hai con của bà đã bị bắt đi mất. Tổ ta chạy đi cứu giá nhưng đã quá trễ vì mất hết dấu vết. Hành trang của hoàng hậu bị một tên đạo chích lấy đem ra bán ở ngoài chợ. Biết được tin đó tổ ta đã phải cố gắng phải đi cướp lại, nhưng không thành. Sở dĩ mà tổ ta phải làm vậy là hoàng hậu có dặn tổ ta là với bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ hoàng tử và bảo vật của Hoàng đế. Bà cũng không ngại nói cho tổ ta nghe bí mật của bảo vật. Tới giờ phút nầy người không còn nhưng bảo vật vẫn còn có thể tìm lại được, hy vọng sau nầy tìm được giòng dõi của hoàng đế thì giao lại. Kể từ đó người đi khắp nơi để dò la tung tích của người đã mua được bảo vật trong tay của tên đạo chích. Trời cũng chiều lòng kẻ hảo tâm, chỉ trong vòng một tháng, tổ ta tìm mua lại được ở trong một tiệm bán đồ cũ ở ngoài Hội An. Cũng may mà tên chủ tiệm mù chữ cho nên các món trong hộp vẫn còn nguyên.

Chán ngán cho cảnh thế thái nhân tình và sự truy lùng gắt gao của nhà Nguyễn đương thời, tổ ta đã xin vào tá túc ở Linh Sơn Tự. Khoảng năm năm sau, người bắt được liên lạc với cha của ta. Cả gia đình được đoàn tụ kể từ đó. Ít năm sau cha của ta cưới vợ và mở tiệm buôn bán nhỏ ở ngoài tỉnh, cuộc sống cũng yên hàn và sung túc. Một hôm hai ông bà cụ ra tỉnh thăm con, gặp lại tên hầu cận cũ. Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi kéo nhau vào tiệm uống rượu, tên nầy vì bét rượu, ăn nói không giữ ý tứ cho nên bị lộ thân phận, có người đi báo cho nha sai. Khi quân lính tới, một trận ác chiến đã xảy ra trong tiệm. Lưỡng hổ không thể thắng được quan binh nhà Nguyễn, kết quả cả hai ông bà nội  ta và tên hầu cận đã bị thảm tử. Cha ta khi biết được tin đã đi giết tên quan huyện rồi trốn về quê vợ tức làng Tây Sơn. Ông nội con và ta chào đời ở đó. Khi ta và ông nội con lên 16 tuổi ta xin xuống tóc đi tu. Ông nội con lấy vợ vào năm sau.

Khi cha ta đưa ta vào Chùa Linh Sơn, vị trụ trì trao cho người các món kỷ vật của tổ nội ta. Trong đó có một cái hộp đồi mồi đựng sách cổ và hai thẻ bài âm dương. Sau nầy khi ta đã luyện được võ công của môn phái, cha ta lên thăm ta.  Người đã trao cổ vật cho ta và kể lai lịch của di vật đồng thời yêu cầu ta bảo vệ. Trong lúc hai cha con ta nói chuyện, có một đồng môn của ta tên Ðạo Ðồng nghe được, và ngay tối hôm đó đã ăn cắp báu vật rồi trốn khỏi chùa. Giá hắn lấy bảo vật xong vẫn ở lại chùa thì một ngàn đời ta cũng khó kiếm ra thủ phạm. Sau khi biết báu vật mất cắp ta xin thầy cho ta xuất quan đi ra nhà của Ðạo Ðồng để đòi lại. Khi mẹ của Ðạo Ðồng biết chuyện làm thiếu lương tâm của con mình đã thành thật cho biết hắn mới vào Sài Gòn sáng hôm nay, đồng thời cung cấp những địa chỉ mà hắn có thể tới khi đến Sài Gòn. Ta tức tốc về chùa xin phép Trụ trì cho ta đi Sài Gòn. Rủi thay ta không tìm ra dấu vết của Ðạo Ðồng. Khoảng mấy tháng sau mẹ hắn báo cho Chùa biết hắn đã bị giết khi đi bán bảo vật.

Từ đó ta mất luôn dấu vết của bảo vật. Ông nội của ngươi vì lẽ đó quyết tâm trau dồi võ nghệ cho đến mức thượng thừa, và cha ta đã đem hết sở học của giòng họ truyền lại cho ông nội ngươi, Khi cha ta mất, mẹ ta buồn rầu cũng đi theo vài tháng sau. Ông nội ngươi nhớ thương hai người cho nên thường đến thăm ta và trau dồi võ thuật với ta làm vui. Do đó ngoài võ học của Linh Sơn Phái ta còn thông thạo các võ độc môn của gia đình, trong đó môn Thần Hành Di Ảnh ta lại học không thông. Tiếp theo đó bà nội ngươi cũng quy tiên cho nên nội ngươi ở lại chùa luôn với ta. Ít lâu sau có tin báu vật xuất hiện lại ở trong Nam, thì ông nội người đi giựt lại. Kết quả ông nội người thành công nhưng lại bị vây khổn ở Phan Thiết, cũng may ta đến cứu viện kịp, ông nội ngươi bị thương nặng và một thời gian sau đã chết.

- Vậy tại sao người ta cũng gọi sư cụ là Thần Hành Di Ảnh? Tuấn hỏi.

- Con đã biết ông Nội con với ta là anh em song sinh, giống nhau như tạc. Hai Anh em ta thường xuất hành hành hiệp trượng nghĩa giúp đời, nhưng ông nội con chẳng bao giờ cải chánh là ta hay là người. Chuyện nầy chẳng ai biết ngoại trừ hai chúng ta.

Nói tới đây ông ngưng lại, nhìn ra ngoài, rồi tiếp:

- Hôm đi vào Nam dành lại bảo vật, ta lại hóa trang để trở thành một Nguyễn Bồng của ngày xa xưa thành ra giới giang hồ không biết ai là ai. Khi cứu được ông nội con ở Phan Lý ta đem về chạy chữa, nhưng số người đã tận, trước khi chết người bắt ta hứa là phải kiếm cho được cha con để truyền thụ hai môn võ bí truyền của giòng họ ta. Việc kiếm được cha con ta đã làm được, nhưng truyền lại hai môn võ của giòng họ ta chỉ làm được có một nửa, vì cha con không có căn cơ để học. Nhưng bây giờ ta đã thành toàn vì con đã hấp thụ một cách dễ dàng.

- Vậy cha con đi đâu mà sư cụ phải tìm?

- Vừa lên 18 tuổi cha con đã gia nhập Việt Nam Quốc Dân Ðảng lo việc kháng Pháp.

- Và bây giờ thì con chẳng còn cơ hội để gặp người nữa!

- Ta dò la và biết được cha con hiện đang bị giam ở khám Chí Hòa.

- Ở khám Chí Hòa? Tuấn hỏi lại.

- Ðúng thế!

- Vậy thì đúng người đó rồi!

- Con nói gì?

- Dạ, con nghi là con đã từng gặp cha con ở trong khám Chí Hòa.

- Vì có người đã đọc câu: Giang đầu nợ nước...

- Ðúng, lão thiền sư chen vào, câu nầy là mật ngữ của giòng họ ta.

- À ra thì thế. Hèn gì bà Hồng bắt con phải đọc câu nầy cho Bác Sáu, à cho cha con khi gặp người.

Thiền sư chưa kịp nói gì Tuấn đã hỏi tiếp:

- Con còn có chuyện thắc mắc về bà Hồng...

Tuấn chưa kịp nói thì thiền sư Ðạo Nguyên đã nói tiếp.

- Trước khi bà Hồng chết bà thường liên lạc với cha ngươi, do đó sau nầy khi con vào chùa, thầy ngươi có báo cho ta biết. Việc nhận ngươi làm đệ tử tại gia và đặt pháp danh là Ngộ Kiếp cho con cũng do ta biểu làm.

- Hèn gì mọi sự đều trôi chảy một cách dễ dàng.

- Thôi Cấn sắp về tới nơi rồi, chúng ta nên nói chuyện khác.

Hai người chỉ nói chuyện về những kỷ niệm của thời chùa đang còn. Nói chưa được bao nhiêu Tuấn nghe có tiếng xào xạc từ xa cho nên đã lái câu chuyện qua võ học.

- Thưa Sư cụ, tại sao võ học của bổn môn lại khó tập và ít người có thành tựu như vậy?

Lão thiền sư thấy Tuấn lái qua câu chuyện khác có ý nghĩa vào lại đánh đúng vào ý tò mò của Cấn, cũng vừa đúng lúc Cấn đi vào tới sân nhà, ông nói:

- Căn bản võ học của môn phái ta lấy cái tu làm trọng, phàm những người giỏi võ công của môn phái phải là người có chân tu. Con muốn tiến xa hơn trong việc phục hưng lại môn phái con không thể vấn vương chuyện của trần tục. Con không nên khinh thường cái tâm ma lúc nào cũng lẩn quẩn trong đời con. Võ học của con dù có đạt được cảnh ngoại giới cũng chỉ là cái thùng rỗng kêu to mà thôi. Ðừng bao giờ quên câu: "Tâm địa nhược hư, tuệ quang tự chiếu!""

- Không lẽ môn phái của ta đến đời con là hết!

Lão già phục Tuấn ăn nói có chiều sâu, đòn nầy, chính là đòn cân não mà Tuấn đang đấu với Cấn. Trong lúc hai người nói tới đây thì Cấn đem rượu và đồ nhắm ra để trên một cái mâm đồng bưng ra để trước mặt hai người.

- Chữ duyên cũng có thủy có chung. Ta không nên gượng ép mà trái mệnh trời. Cái chung và thủy cũng đang xảy ra trước mặt ta mà ta không thấy sao. Thôi hai anh em tụi bay uống vài chung với nhau đi, ta dù sao sau bao nhiêu năm trời lấy giòng suối trong làm mạch sống, lấy hoa cỏ và ngũ cốc làm thân chịu với đất trời. Ta không thể lấy hỉ nộ để xóa bỏ chân tu của ta mấy chục năm trường. Môn phái của ta còn hay mất, tự trong lòng của hai con, hai con đã có đáp số, ta không nên đem bàn ra đây nữa.

- Sư cụ nói cái gì mà khó hiểu vậy? Cấn nghệch mặt ra hỏi.

- Sư cụ nói có sai đâu, rượu là thủy và đồ dùng để đưa rượu vào miệng anh em mình không phải là cái chung là cái gì? Tuấn trả lời thay thiền sư  Ðạo Nguyên.

Lão già nghe Tuấn trả lời lấy làm sung sướng ngửa mặt lên trời cười một cách sảng khoái.

 

                                 *

 

Sau khi giã từ ông bác của chàng, Tuấn đã trốn Cấn về Qui Nhơn, rồi lấy giấy máy bay tức tốc về Sài gòn. Khi quyết định lấy phép về Sài gòn Tuấn chủ tâm thăm cha mẹ nuôi, và ít hôm sau sẽ về Vĩnh Long để thăm người yêu. Bước xuống máy bay, Tuấn thấy xa xa có nhiều người chen chúc đón thân nhân. Vì không hề báo cho cha mẹ nuôi biết Tuấn về ăn Tết, nên Tuấn không hề nghĩ rằng trong rừng người đi đón cũng có phần của chàng. Tuấn nhường lối cho mọi người xuống trước còn chàng lủi thủi theo sau. Trong lúc đang mơ màng nghĩ đến sự ngạc nhiên của bà Tuần khi Tuấn bất thình lình xuất hiện trước cửa nhà, Tuấn nghe có tiếng la từ đám đông:

- Anh Tuấn, anh Tuấn.

Tuấn chưa mường tượng được ngay đó là tiếng của ai, Tuấn hướng về chỗ phát ra tiếng kêu, thấy một người con gái ăn mặc theo lối Tây phương khua tay lia lịa. Tuấn rất đỗi ngạc nhiên vì đó là Tú Anh. Tuấn chạy nhanh về hướng Tú Anh, nàng ôm chầm Tuấn và hôn đánh chụt. Tuấn ngượng chín cả người, chưa biết phải phản ứng ra sao chợt thấy Quân và ông bà Hoàng đứng trong đám đông đi đón người, Tuấn nhè nhẹ lướt người một cái đã thoát khỏi vòng tay của Tú Anh, chạy đến chào cha mẹ nuôi và Quân.

- Thưa ba má con mới về.

Quay qua Quân Tuấn đưa tay ra bắt. Xong quay qua ông bà Hoàng hỏi.

- Tại sao ba má biết con về mà ra đón?

- Bác Ða báo chứ ai. Bà Hoàng nhanh nhẩu trả lời.

Tuấn xanh mặt vì biết mình đã quá bất cẩn, như vậy hóa ra Tuấn luôn luôn bị bám sát mà không biết. Thật ra Tuấn không biết ông Ða có nhân viên mật làm việc ở tất cả các trạm chuyên chở công cộng quan trọng, nên chi khi vừa thấy Tuấn, họ liền báo cáo về trung ương. Việc báo cáo nầy hoàn toàn không có tính cách an ninh mà chỉ là tính nịnh bợ của thuộc cấp khi biết Tuấn là thân cận đặc biệt của ông Ða. Ðể che dấu sự lo lắng và khó chịu của mình, Tuấn xoay qua hỏi Quân:

- Quân và Tú Anh về bao giờ?

- Mới về hôm qua?

- Về ăn Tết hả?

- Tụi nầy đã học xong rồi, không trở lại Pháp nữa.

Tuấn quay đầu lại định hỏi ông Hoàng điều gì thì phát giác có Thuyên đi đàng sau, mắt đỏ hoe.

- Ủa có cả em nữa hả Thuyên? Xin lỗi em nhé, đông người quá thành ra không thấy em.

- Bộ người ta là con kiến sao mà không thấy! Thuyên vừa mếu máo vừa nói.

Nói xong Thuyên ù chạy ra bãi đậu xe. Tuấn ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Thấy vậy bà Hoàng lên tiếng:

- Mấy người cứ tự nhiên đi, tôi ra ngoài với nó.

Chẳng cần ai đồng ý hay phản đối gì, bà Hoàng đi lẹ ra bãi dậu xe. Tuấn trong lúc nầy đúng như con gà mắc nước, chẳng biết phải hành xử ra sao, cho nên cúi đầu thủi thủi bước theo mọi người.

- À, con có hành lý gửi theo máy bay không? Ông Hoàng hỏi.

- Dạ thưa ba không, con chỉ có bấy nhiêu. Tuấn dơ cái xách tay lên.

Trả lời xong, Tuấn tiến lên ngang hàng với Tú Anh. Tuấn thấy Tú Anh cũng đang lau nước mắt, đúng là rõ khổ... Ở trong hoàn cảnh nầy Tuấn không biết phải hành xử ra sao! Với Tú Anh, Tuấn biết, đây là một cuộc tình vô vọng, nó đã đi ra khỏi giới hạn của tâm tình hẹp hòi của lễ giáo. Tú Anh yêu Tuấn trước khi lễ giáo bắt đầu nhẩy xổm vào cuộc đời của họ và cả hai đành phải tôn trọng cái lẽ đặt bày của lý luận của con người.

Trong bốn năm qua, Tú Anh sống trong xã hội của buông thả, của tự do nhưng nàng vẫn chung tình với mối tình tuyệt vọng. Hôm nay trước mặt nàng, cái của ta sờ sờ trước mặt thế mà nàng phải ngoảnh mặt quay đi. Tú Anh cảm thấy đớn đau chua xót vô vàn. Giá Tuấn lúc nầy cứ tự nhiên như cuộc đời chẳng có gì đáng nói, vội vã chạy theo Thuyên dỗ dành nàng, Tú Anh cũng khổ nhưng cái khổ đó còn có một chút ranh giới. Ðàng nầy Tuấn đã không làm thế, Tuấn đã đến bên cạnh Tú Anh, Tú Anh cảm thấy tim mình bị đâm, bị bằm nát thành nhiều mảnh nhỏ!

Tuấn vuốt ve Tú Anh:

- Trong bao nhiêu năm qua anh luôn luôn nhớ đến Tú Anh. Từ ngày anh trở thành người anh lớn của Tú Anh, anh chưa hề có dịp để chăm sóc cho em. Em đừng buồn, bây giờ em về đây rồi, anh sẽ mãi mãi lo cho em.

- Anh có chắc rằng anh sẽ mãi mãi lo cho em? Thế còn cô Thuyên anh để cho ai lo?

Tuấn nghe tới đây, thấy như cả một khung trời sụp đổ. Tất cả những chính sách an dân trong thiên thư nghe đẹp và tuyệt diệu vô ngần nhưng trước mặt Tuấn chỉ có hai, không nhiều hơn hai thế mà Tuấn đã cảm thấy đầu nhức, tai ù vì không có đáp số vẹn toàn! Câu trả lời nếu có trọng có khinh chẳng có gì là khó vì đó chỉ là căn bản của cuộc đời, nhưng câu trả lời mà làm cho Tú Anh và Thuyên đều hạnh phúc cả quả thật là khó. Thật ra Tuấn đã nhầm tưởng rằng mối tình giữa chàng và Tú Anh đã thực sự chuyển thành tình huynh muội. Trong phép trị dân, nếu khi hành sự dù chỉ có một chút lượng định không chính xác, hậu quả sẽ khác biệt trăm ngàn lần. Tuấn cảm thấy chân tu và sở học chẳng đi tới đâu cả. Tu thân chưa đạt được làm sao có thể tề gia và dĩ nhiên việc trị quốc còn xa khỏi tầm tay của chàng.

- Ủa cái anh nầy vừa mới nhắc đến tên Thuyên đã thộn mặt, nghệch người, vậy mà còn nói sẽ lo cho em, lo làm sao được!

Nói xong nàng khóc òa. Ông Hoàng quay qua nhìn hai đứa, thở dài. Ông cảm thấy ván bài của bà Hoàng đi quá thấp, không khéo sẽ mất cả chì lẫn chài. Ông tiến đến ôm hai người vào lòng nói:

- Các con nên nhớ đừng hành động như con chó ngậm miếng thịt mỡ đi qua cầu. Các con hãy thực tế một chút. Ðể ba lo cho Tú Anh, con hãy theo má ra ngoải dỗ ngọt Thuyên đi. Cái gì đâu còn có đó.

Tuấn theo lời ông Hoàng, lủi thủi đi ra bãi đậu xe. Với kinh nghiệm tích lũy theo tuổi đời, ông dắt Tú Anh đi vào quán nước nói:

- Ba khát nước, vào đây ba mua ly bia xong hãy ra về, con khát nước không? Uống gì ba mua luôn thể.

- Dạ thưa ba con không khát.

 Ông Hoàng và Tú Anh vào tiệm, ông kêu một chai 33 Export. Ông chiêu mới được vài ngụm, thấy nét mặt ú sụ của Tú Anh có thuyên giảm đôi chút, ông trả tiền đứng dậy kéo Tú Anh đi ra cửa.

- Ủa ba chưa uống xong chai bia mà?

- Ba thấy khô cổ, chỉ vài ngụm cũng đủ giải khát rồi. Mình đi về kẻo mọi người đợi.

 

                                 *

 

Suốt mấy ngày đầu của những ngày nghỉ phép. Tuấn chỉ gặp Tú Anh vào bữa cơm tối. Ban ngày nàng và Quân thường vắng nhà. Ông Hoàng giải thích:

- Con ở nhà với ba má mấy hôm cũng đủ rồi. Con nên qua bên Cậu Tích chơi đi. Thuyên chắc đang chờ con dài cổ rồi đấy. Hai đứa tụi nó đang lo chỗ làm ăn, chắc cũng phải dăm bẩy bữa nữa mới huởn. Tụi nó tính khai trương văn phòng vào dịp tân niên dương lịch nầy.

- Dạ cám ơn ba má, con cũng định hôm nay xin ba má cho qua bển chơi mấy hôm.

Tuấn đến nhà ông Tích vừa đúng lúc Thuyên sửa soạn ra bến xe về Vĩnh Long.

- Thuyên không ở lại chơi mấy bữa nữa rồi hãy về, bộ nhớ đồ ăn của má nấu rồi sao?

Thuyên đang nét mặt dàu dàu vì tưởng sẽ không gặp được Tuấn và giận chàng không thèm gọi điện thoại qua hỏi thăm. Bây giờ Tuấn bằng xương bằng thịt trước mặt nàng, lại còn dùng hình ảnh bữa cơm đầu của hai người, làm Thuyên quên hết cả giận hờn.

- Tưởng bỏ quên người ta rồi chứ bộ. Mấy ngày bắt người ta chờ, khóc muốn hết nước mắt mà không thèm qua. Biết rồi mà! người ta chê người ta nhà quê, chê thằng Ba Khía, người ta chỉ thích người ta có bộ vó Tây phương, biết âu yếm. Còn người ta đây ở đồng, ở ruộng không biết mấy cái thứ văn minh đó.

Nói xong Thuyên, tiến đến bên Tuấn nắm áo đấm vào người chàng thùi thụi. Tuấn chỉ biết nhe răng cười trừ.

- Người ta đã đến đây rồi, sao đánh người ta dữ dằn vậy. Bộ không cho người ta vô chào ông cậu bà mợ sao?

Nghe có tiếng léo nhéo ở đàng trước, hai ông bà Tích đi ra,  thấy Tuấn bị dằng co, đẩy, kéo. Bà Tích tiến lại kéo Thuyên ra nói:

- Trời ơi con gái gì mà không biết xấu hổ. Trước mặt mọi người làm cái gì kỳ vậy?

- Ai biểu ảnh bây giờ mới qua.

Tuấn chào ông bà Tích.

- Thưa ông cậu bà mợ.

- Thôi mà sư đệ, ở đây có ai đâu mà giữ kẽ quá vậy?

- Dạ, em đâu dám, cám ơn hảo ý của anh !

Nói xong Tuấn quay qua Thuyên tiếp:

- Ðấy bây giờ em muốn xâu xé gì cứ việc tự nhiên.

- Bây giờ ai mà thèm nữa.

Nói xong Thuyên chạy nhầu đến ôm Tuấn hôn thật là tự nhiên.

- Sao có giống người ta không?

Tuấn ngượng chín người nhưng vẫn tươi cười nói:

- Giống lắm chứ, giống cái cảnh sở thú ấy mà!

Thuyên dẫy nẩy lên lại đấm thùi thụi vào ngực của Tuấn, rồi vất cả khăn gói, chạy ù ra sau cánh cửa ra vào nhà.

Bà Tích nói với theo:

- Thôi tha cho nó đi mà! Bà Tích nói.

- Ðâu được bác, phải cho ảnh chết.

- Nó chết rồi ai ở giá đấy nhỉ?

- Ai thèm lấy ảnh đâu mà ở giá!

- Thiệt không đó cô Hai?

- Dạ thiệt.

- Vậy để bác nói bác trai chở nó về Hóc Môn trả lại cho người ta cho yên chuyện nhá.

Sợ bà Tích làm thiệt, Thuyên vội vã nói:

- Dạ, con tha cho ảnh lần này.

Tuấn xách đồ của Thuyên tiến đến chỗ nàng đang đứng núp. Tuấn nói:

- Ðúng rồi, tha cho anh đi, nếu không anh về Hóc Môn ngay bây giờ.

- Dám không đó?

- Thôi chẳng dám đâu. Làm vậy người ta sẽ thành bé nhè dỗ đến chết luôn!

 Ông bà Tích bước vào nhà mà Thuyên cứ đứng núp sau cánh cửa, đi cũng không đi mà vào nhà cũng chẳng vào nhà. Bà Tích biết ý bọn trẻ,  quay qua nhìn Thuyên nói:

- Thuyên à, vào đây bác có chuyện muốn nói với con.

Quay qua con bé người giúp việc vẫn lo cho Thuyên mỗi khi nàng lên chơi, bà Tích nói:

- Chút con đem xách tay của cô vô phòng đi.

Con bé dạ một tiếng rồi tiến đến bên Tuấn để lấy cái xách tay của Thuyên. Ðang ở trong thế khó xử, lỡ nói đi về quê mà bây giờ tự nhiên lại đi vào nhà theo Tuấn thì khó coi quá chừng cho nên khi nghe bà Tích nói thế, Thuyên lẹ làng giựt cái xách hành lý mà Tuấn đang cầm đưa cho bé Chút, đi vào nhà không thèm chờ Tuấn. Tuấn lủi thủi đi theo sau. Ông bà Tích nhìn nhau mỉm cười,  nối gót hai người trẻ.

Trong thời gian nghỉ phép hầu như Tuấn ở bên nhà ông Tích nhiều hơn là bên nhà ông bà Hoàng. Khoảng một tuần sau Thuyên được điện tín ông Hai Phan đau nặng nàng đành phải về Vĩnh Long. Sau khi cùng Tuấn đưa Thuyên ra bến xe xong, ông Tích và Tuấn rảo bước từ nhà để xe vào, ông nói:

- Người anh thừa thãi nầy may ra hôm nay mới có dịp hàn huyên với sư em.

Tuấn gãi đầu:

- Dạ, em khó xử lắm, nhưng biết sao hơn. Sáng sớm, mới bét mắt thì nàng đã đến bắt cóc rồi, em đâu còn giờ nào để thù tiếp anh được.

 Ông Tích thân mật khoát tay qua vai Tuấn an ủi:

- Anh biết điều đó và anh có bao giờ phiền trách em đâu. Thôi dẹp chuyện nhi nữ thường tình đi! Bây giờ huynh đệ ta có thể có nhiều thời giờ để nói về thế sự. Hôm nay ta phải nhâm nhi vài chén chơi mới được, kẻo tháng tới khi cô ta lên xe hoa về với em rồi thì người anh già nầy khó còn có dịp để thù tạc. Hơn nữa anh cũng muốn bàn với em về ngày cưới. Em cứ về nhiệm sở lo thu xếp mọi việc để đầu tháng hai âm lịch thì về Sài-Gòn. Vấn đề phép tắc và tổ chức đám cưới thì anh Hoàng đã bàn kỹ với anh, anh và anh Hoàng sẽ lo hết, em chớ bận tâm.

Vừa nói ông Tích vừa rót rượu ra hai cái chung. Ông tiếp:

-Uống mừng tình trời ban của anh em mình...

Giới Thiệu 1 1-2 2 2-2 3 3-2 4 4-2 5 5-2 6 6-2 7 7-2 8 8-2 9 9-2 10 10-2 Bạt
 

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ

Sưu Tập

NQ Thương Hận Tập I
NQ Thương Hận Tập II
Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
 
Miếng Ngọt Quê Hương Về Trang Chủ

Friendly Links

Thực Vô Cầu Bão 25 Năm Xây Dựng CĐ Ha Huyen Chi
Cá Kho 25 years of the Community building Gia Đình Võ Bị
Món Xào Gia Phả Họ Nguyễn Diên Trường All Links
Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 07/01/16