Thứ Tư, Ngày 28 Tháng 5 , Năm 125
Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

                                                                                                                                                   

Hà Phương Hoài

Cơ Trời Vận Nước 

Chương Chín

Sau khi chỉnh đốn toàn bộ an ninh sau những biến chuyển chính trị lớn lao, Cục An Ninh Quân Ðội ở đường Mạc Ðỉnh Chi bắt đầu lật lại những xấp hồ sơ cũ cần phải thanh toán hay diệt trừ để tránh hậu họa. Một người nằm trong danh sách những người có thể là mầm mống có cơ nguy hại hoặc là mối quan tâm cho nền an ninh quốc gia. Cần phải tái truy vấn là ông Trần Văn Ða nguyên tổng giám Cảnh Sát Quốc Gia, trước đây đã bị chính quyền cũ bắt nhốt và cho nghỉ dài hạn không lương vì liên quan đến vụ án tái thiết di tích lịch sử Tây Sơn, mà tội nhân chính là Phạm Tuấn. Ðích thân một vị tướng, nguyên là thuộc hạ cũ của ông Ða ngồi thẩm vấn. Ông Ða tuy ở trong tình trạng bị thất sủng nhưng anh em và thuộc quyền cũ vẫn còn nhiều nể vì.
- Thưa ông thầy, đây là chuyện vạn bất đắc dĩ mà em phải mời ông thầy tới đây!
- Là một quân nhân tôi chỉ biết có một điều là tuân hành lệnh của thượng cấp. Văn phòng Hội Ðồng Tướng Lãnh đã ra lệnh gọi thì tôi phải đến vậy thôi!
- Cám ơn ông thầy thông cảm cho đàn em.
Vị tướng đó kéo hộc bàn viết lấy ra một xấp hồ sơ dày cộm, đôi mắt nhìn thẳng vào ông Ða như muốn cướp hồn vị niên trưởng của mình, dõng dạc nói:
- Chẳng hay ông thầy còn nhớ vụ tái thiết Tây Sơn. Chắc ông thầy rõ hơn ai hết là thầy Tuấn bị hàm oan. Lúc ấy khi dàn dựng lên vụ án ít ai biết mục đích của vụ án là long mạch và kho tàng của Vua Quang Trung. Thầy Tuấn nắm toàn bộ bí mật trong tay nhưng vẫn không chịu đưa ra làm cho ông thầy bị vạ lây.
 Ông Ða không muốn lôi chuyện cũ mà ông đã đóng một vai quan trọng cho nên nói ngay:
- Thôi chuyện đó xưa rồi, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn đã thành người thiên cổ, có nhắc đến thì cũng chỉ làm cho những mảnh tâm tình vụn vặt đâm nát tim gan người quân tử mà thôi.
- Ông Thầy đúng là người quân tử của thời nay. Người ta hại mình đến như vậy mà vẫn một mực trung thành, tụi em không thể nào sánh được!
- Các ông nhìn đời với nhãn quan khác, biết đâu tôi không chỉ là một người phò Lê mù quáng, biết đâu các ông cũng không phải là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nhà Mạc!
- Cám ơn ông thầy với nỗi cảm thông nhẹ nhàng và tha thứ!
Vị tướng cục trưởng cục An Ninh Quân Ðội muốn vào đề ngay nhưng lại bị hớp hồn bởi đức tính chính nhân quân thử của cấp chỉ huy cũ của mình cho nên cứ lay hoay nói chuyện không đâu vào đâu cả. Bực mình về điểm đó ông Ða nói:
- Thôi ông cứ cho tôi biết điểm ông muốn thương lượng ngay đi! Những gì tôi đã khai trước đây, nếu bây giờ các ông có khai thác thêm cũng chỉ có vậy thôi!
Dù sao ông ta cũng là bậc thầy trong nghề của mình, vị tướng cục trưởng cố gắng thật ôn hòa để tránh tiếng thị phi sau nầy.
- Ông thầy thứ lỗi cho, chúng em có phải hành động thiếu tế nhị như hôm nay cũng chỉ là vì bảo vệ bảo vật của quốc gia, không muốn ngoại nhân hay kẻ thù lấy được, đồng thời cũng để bảo vệ an toàn cho ông thầy cũng như mọi người liên quan đến thầy Tuấn.
 Ông Ða chua chát:
- Cậu Tuấn đã từng vào tù ra khám như cơm bữa, bây giờ cũng đã bị bắt lai còn tôi như con cá đang dẫy chết trên thớt. Chúng tôi chẳng đang hưởng cảnh an toàn nhất của chế độ rồi còn gì?
Tướng cục trưởng vẫn tỏ vẻ xuống nước.
- Ấy ông thầy nói vậy tội nghiệp cho em lắm. Chừng mươi mười lăm phút nữa ông thầy sẽ ung dung ra về với gia đình. Chúng em dù sao cũng chỉ là học trò của ông thầy. Ðâu dám có những hành vi thiếu hợp lý.
Ông Ða tấn công ngay tức khắc:
- Nếu vậy tại sao các ông lại bắt tôi đến đây để làm gì?  
Vị cục trưởng xuống giọng
- Theo lệnh của thượng cấp, chúng tôi mời ông thầy đến để tạo niềm cảm thông giữa ông thầy và tân chế độ!
- Dù cảm thông hay không cảm thông tôi cũng chẳng làm gì hơn được. Ví dù như thầy Tuấn có bảo vật trong tay, tôi cũng chẳng có thể làm gì để ảnh hưởng thầy ấy!
- Tại ông thầy khiêm nhượng đấy thôi. Thầy Tuấn luôn luôn coi trọng ông thầy, sự trọng nể nầy có thể ngang với quan đầu tỉnh Qui Nhơn.
Thấy người bạn thân của mình đang bị kéo vào vòng cương tỏa, sợ vấn đề càng thêm rắc rối, hơn nữa không muốn đi vòng vo mãi, ông Ða thẳng thừng nói:
- Thú thật với các ông, nếu các ông muốn làm gì tôi thì làm. Cộng tác với các ông trong việc tầm bảo nầy chúng tôi không thích thú và cũng chẳng có khả năng!
- Chúng em đâu dám làm việc thiếu nguyên tắc như vậy. Chúng em vừa nhận được mật báo là Cục Tình Báo Hà Nội đã chỉ thị cho Cục R phải nổ lực nhiều hơn để lấy cho được bảo vật hầu phá sự phồn thịnh và chính nghĩa của Miền Nam.
- Bọn Cộng Sản vô thần đâu tin những chuyện lỗi thời nầy.
Tướng cục trưởng nắm lấy cơ hội.
- Ông thầy đã biết nội tình của vụ tầm bảo nầy trong mấy mươi năm qua, và Cộng Sản qua Hồng Kỳ Hội xưa kia đã nhúng tay và vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Vụ thầy Tuấn bị bắt cóc ngay trong vòng ảnh hưởng của ta bẩy tám năm trước cho thấy rằng hồ sơ chưa xếp.
Khi nhắc lại vụ nầy ông Ða cũng thấy nhột nhạt trong lòng.
- Tôi đồng ý với các ông nhưng vụ nầy ngoài khả năng của tôi.
- Ông thầy khi đề cử thầy Tuấn vào chức vụ giám đốc công trình tái thiết Di Tích Lịch Sử Tây Sơn, không phải ông thầy đã nắm chắc trong tay dữ kiện mà Văn Phòng Nghiên Cứu Chính Trị của ông Nhu đang chú tâm tìm tòi sao?
- Ðành như vậy nhưng các ông cũng đã thấy hiệu quả của việc đề bạt là tôi đi ở tù và mất việc!
- Sở dĩ vấn đề nầy xẩy ra là tại vì ông thầy cố giữ cung cách của một người quân tử.
 Ông Ða thở dài nói:
- Chẳng phải quân tử hay không quân tử, nếu như các ông ở trong cương vị của tôi các ông cũng làm vậy thôi.
- Như vậy là ông thầy muốn nói, thầy Tuấn thực sự không có bảo vật ở trong tay.
 Ông Ða đá quả banh lại cho đối phương.
- Vấn đề nầy các ông là người rõ hơn ai hết.
Tướng cục trưởng tạm thời xuống nước.
- Thôi, xin phép kiếu ông thầy. Mong có dịp khác sẽ hầu chuyện với ông thầy lâu hơn.
Nói xong ông cục trưởng gọi tài xế đưa ông Ða về nhà.
 
                                             *
 
Tại Côn Sơn, những tù nhân chính trị ngoại trừ những người có thành tích hoạt động cho Cộng Sản đã nhận giấy phóng thích. Người ta lũ lượt lên tầu về đất liền. Tuấn lại được đưa ra đây. Chàng biết trước sự thể nên vẫn coi như không có gì quan trọng và vẫn vui vẻ chấp nhận huống cảnh. Mọi tù nhân phải làm việc, nhóm làm các công tác tạp dịch hay đáp ứng những nhu cầu cho cuộc sống của mọi tù nhân trên đảo, nhóm lo sản xuất. Sản phẩm độc đáo nhất của tù nhân tại Côn Sơn là các kỷ vật bằng đồi mồi. Nhờ lão Thiên Tích gửi gắm Tuấn không phải làm các công việc đó, mà được cử làm huấn luyện viên thể dục cho tù nhân ở đây. Tuấn còn là vị lang y chuyên lo chữa bong gân hay bầm dập da thịt hoặc xương cốt cho tù nhân ở đảo. Nhờ đó mọi người trên đảo đều biết tiếng và trọng vọng chàng. Nghĩ đến việc gầy dựng lại môn phái hay ít nhất cũng giữ lại những cái hay cái đẹp của cha ông, chàng cũng đã để tâm tìm học trò. Tuấn không muốn dạy võ công khai nên đã kín đáo kết nạp một số tù nhân cũng như nhân viên hành chánh của đảo làm học trò. Chàng bắt buộc học trò của mình phải tuyệt đối giữ bí mật việc nhập môn. Trong đám học trò chỉ có một vài người biết nhau, còn lại không ai biết ai..
Hằng ngày cứ 6 giờ sáng, tù nhân tập họp ở trước sân cờ, tập thể dục theo sự điều khiển của Tuấn. Khác với lối tập thể dục trước đây Tuấn chú trọng đến những động tác nhẹ nhàng và thở đều theo lối luyện tập khí công. Từ ngày chàng đứng ra hướng dẫn tập thể dục hàng sáng, các tù nhân cảm thấy con người khỏe khoắn và sảng khoái hơn xưa. Lúc đầu người ta chỉ làm lấy lệ vì công tác tạp dịch hàng ngày nặng nhọc thì những động tác thể dục nhẹ nhàng đó nào có ích gì. Nhưng chừng vài tháng trôi qua, những người hay ốm yếu bệnh tật đã thấy khỏe và rồi truyền miệng cho nhau. Từ đó mọi người đều siêng năng tham gia buổi sinh hoạt thể dục.
Một hôm Tuấn thấy trong hàng có người trông giống bác Sáu Tuyên, dù đã già hơn nhiều nhưng nét khắc khổ và cương nghị của ông ta làm cho Tuấn tin chắc là bác Sáu. Tuấn tiến đến chỗ của ông, làm bộ sửa bộ thế cho ông và nói nhỏ:
- Bác Sáu mạnh giỏi?
Chỉ nghe giọng trả lời nhỏ vừa đủ cho Tuấn nghe.
- Không được lộ hình tích, nguy hiểm lắm!
Từ đó bác Sáu Tuyên ít khi ra tập thể dục như mọi người. Một hôm ông bí mật trao cho Tuấn một nắm giấy vo tròn. Chàng biết ngay là thư của cha chàng gửi, vội bỏ vào túi.
Mọi khi giờ tập thể dục qua nhanh, nhưng hôm nay vì muốn trở về phòng để đọc thư của cha, Tuấn thấy thời gian qua chậm vô cùng. Khi lớp vừa tan, Tuấn không ở lại nói chuyện chơi với nhân viên trại mà chạy ngay đến một chỗ vắng gần trại của chàng, cẩn thận quan sát xung quanh xong lấy viên giấy, tay run run mở ra đọc:
Tuấn Con,
Mãi tới hôm nay cha mới có thể tạm gọi là an toàn để một lần nhận cha con. Con phải biết dòng họ Nguyễn của ta chỉ còn có một mình con là người nối dõi tông đường. Bí mật của giòng họ Tây sơn thật ra chẳng ai biết chân giả như thế nào. Tốt hơn hết con nên hủy nó đi. Giang hồ còn dậy sóng thì con cháu của cha sẽ mãi mãi chẳng yên thân. Một đời của cha chọc nước khuấy trời, thế mà đành cam chịu cảnh tù tội gần 20 năm nay cũng chỉ vì muốn bảo vệ mạng sống cho con. Cha biết con đã thành tựu đến mức thượng thừa trong nền võ học của quê ta. Nhưng thời buổi nầy võ cũng chẳng thắng nổi tâm địa của kẻ tiểu nhân. Một viên kẹo đồng cũng làm voi ngã quỵ. Cha sẽ rời khỏi nơi đây trong nay mai. Nhưng con phải chịu ẩn nhẫn mà chấp nhận kiếp cá chậu chim lồng như cha. Chỉ có cách đó thì mạng sống của con mới được bảo toàn. Con người lòng tham không bao giờ có đáy. Người ta sẽ không bao giờ để cho con yên đâu. Con hãy mạnh dạn mà chấp nhận một sự kiện ngang trái. Cha có một người đồng chí đang ở cùng trại với cha. Liên lạc với ông ta, con sẽ rõ mọi chuyện. Giang đầu... và mở khóa - nợ nước...
Con đừng tìm cha nữa! Sau nầy nếu duyên chưa cạn, cha con sẽ có dịp trùng phùng. Cha sẽ về với ông chú của con.
Cha của con
Nguyễn Tuyên.
 
Xem xong bức thư, Tuấn run lên vì sung sướng. Tuấn cầm bức thư lại giếng nước, nhúng cho ướt xong vò nát. Hai tiếng cha và con, có lẽ cũng biến mất như tờ giấy rửa vụn nầy. Tuấn vội xuống khu nhốt cha chàng, nhưng chẳng thấy bóng ông ấy đâu! Tuấn cũng không muốn khuấy động những gì gọi là nếp sống cố hữu của người tù biệt xứ, lủi thủi trở về trại.
Nhớ lời cha dặn, Tuấn để tâm kiếm người đồng chí của cha chàng, nhưng ngày tháng trôi qua nhanh, đã hơn ba tháng mà Tuấn chẳng thấy có kết quả gì cả. Câu mật ngữ để nhận diện nhau không lẽ gặp ai cũng đọc. Tuấn đang nghĩ cách để nhận diện ông ta, nhưng vẫn chưa có phương cách nào gọi là hợp lý. Một hôm nhân ngày Tết, trại tổ chức liên hoan cho tù nhân. Ngoại trừ những thành phần tù nhân bị cấm cố, những người khác được tham dự buổi liên hoan. Hôm nay phần ăn được tăng thêm mứt bánh và bánh tét, còn có đoàn văn nghệ từ Sài Gòn ra trình diễn. Tuấn cảm thấy khó chịu vì cảnh ồn ào cho nên bỏ đi ra cuối sân ngồi một mình. Ðang ngồi nghĩ vẩn vơ, nhớ nhà nhớ con thì có một người đàn ông trạc tuổi 60 đến ngồi bên cạnh Tuấn hỏi:
- Chú em nhớ nhà lắm phải không?
Tuấn quay lại nhìn người đàn ông đó rồi chậm rãi trả lời:
- Dạ, thưa bác cũng nhớ lắm!
Người đàn ông trêu:
- Nhớ lắm thì nhớ lắm chớ sao lại cũng nhớ lắm nữa?
Nhận thấy người đàn ông lạ vui tính cho nên Tuấn cười trêu lại:
- Vậy bác cũng nhớ lắm mới biết được tâm sự của cháu chứ gì?
Ðáng lý Tuấn muốn nói:
- Nếu bác không nhớ nhà giống tui thì làm sao mà bác biết tui nhớ nhà - nhưng không dám, vì dù sao lời nói đó có vẻ hỗn xược.
- Chú em nói chẳng sai chút nào, nhưng nhớ tới mười mấy năm trời, riết rồi cũng quen.
- Hôm nay là ngày vui của mọi người bác không ăn một chút gì sao?
- Ðã mang kiếp tù tội, cơm nào cũng là cơm. Ngon hơn một tý thì cũng chẳng thấy cuộc đời khá hơn. Chí con người mà đạt được thì mới quan trọng ở đời!
Tuấn nhìn người đàn ông rồi hỏi:
- Cháu muốn thỉnh ý bác, phàm làm trai ta nên chọn cái ý chí của Cụ Nguyễn Công Trứ hay của Cụ Cao Bá Quát?
- Hai cái nhìn của hai vị đó tuy có thể nói là chõi nhau nhưng trên thực tế họ giống nhau vì họ đều có chí trai. Cái hậu của một giấc mơ mới là quan trọng. Cụ Nguyễn được may mắn thỏa chí nam nhi cho gần hết cuộc đời. Còn cụ Cao nửa đường phải nghe "Ba hồi trống giục" thử hỏi cụ ấy còn cơ hội nào để chứng minh cái hậu của chí trai.
Tuấn lợi dụng lúc nầy để đưa câu mật ngữ:
- Cháu có 2 câu thơ của người xưa nhưng lại quên vế sau, nếu bác biết xin bác giúp hộ cháu. Hai câu thơ nầy cũng gói ghém trong chí trai?
Người tù lớn tuổi khiêm nhường:
- Tôi không thuộc nhiều thơ phú, nhưng chú em cứ đọc thử nghe coi!
Tuấn nhìn quanh, xong đọc nhỏ chỉ đủ cho người đối diện nghe:
- Giang đầu nợ nước hai vai gánh,
Tuấn vừa dứt câu thì người đàn ông đọc ngay:
- Trước mặt thù nhà một hướng đi!
Tuấn mừng lộ ra mặt định lên tiếng hỏi thì ông ta đã chặn ngay.
- Như thế là ta đã biết rồi. Chớ vọng động. Cứ nói chuyện như thường. Trước hết ta giới thiệu cho chú em biết ta tên là Tính trong nhóm Lục Sát Thủ của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, ta đứng hàng thứ 3 cha ngươi hàng thứ 6. Nhóm chỉ loại trừ những tay đại ác cũng như bọn cướp nước có hại cho dân. Ðịa bàn hoạt động của ta ở trong Nam còn cha ngươi ở ngoài Trung. Cha ngươi, bị chính quyền huyện Tây sơn bắt ít tháng sau vụ thảm sát Linh Sơn Tự, khi đi truy lùng tên Phạm Văn Giảo, kẻ chủ mưu vụ tàn sát những kẻ tu hành. Thật ra khi cha ngươi bị bắt, chính quyền quận không có bằng chứng cụ thể là cha ngươi đã phạm tội gì. Vì tên quận trưởng quận Tây Sơn chính là một tên Việt Cọng, lúc đó còn là Hồng Kỳ Hội, nằm vùng, gài bẫy để bắt cha ngươi làm theo lệnh của Phân Hội Chủ Phạm Văn Giảo. Chắc ngươi còn nhớ vòng tròn âm dương bằng máu lưu trên bệ đá ở Chùa? Cha ngươi để ký hiệu đó lại để tố cáo cho mọi người biết rằng đó là xuất phẩm của bọn Cộng Sản - mà hồi đó là Hồng kỳ Hội. Sau khi bắt được cha ngươi hắn nhốt ở một nơi nào đó để bắt cha ngươi đưa bảo tàng ra cho riêng hắn để thủ lợi. Khai thác mãi vẫn không có kết quả gì hắn mới đem giao cho Văn Phòng Nghiên Cứu Chính Trị vì nếu hắn nộp cho Hồng Kỳ Hội thì sợ bị lộ việc bắt giữ cha ngươi làm của riêng bấy lâu nay. Cha ngươi được giải giao về Sài Gòn và đem nhốt ở khám Chí Hòa cho tới ngày ngươi bị đem vào nhốt chung một đêm. Cha ngươi đánh giá lầm hoàn cảnh, tưởng người ta đã khám phá ra sự liên hệ giữa hai cha con ngươi nên đã vượt ngục ngày hôm sau. Sau khi thoát được ra ngoài cha ngươi tức tốc về Qui Nhơn, để chăm sóc cho ông chú ngươi. Cha ngươi khi còn bị giam ở quận lỵ đã vô tình nghe được một môn đồ của Linh Sơn Tự là Trương Kha Cấn đã bán đứng đồng môn, tạo ra vụ thảm sát. Ông định loại trừ hắn ra khỏi cuộc đời nầy song khi thấy hắn tận tình chăm sóc cho sư cụ của ngươi mới lưu tình không giết hầu lợi dụng hắn lo cơm nước cho vị thiền sư già, ngoài ra định lợi dụng Cấn để tìm ra Phạm Văn Giảo, kẻ chủ mưu trong vụ án Linh Sơn Tự. Cha ngươi biết rằng Trương Kha Cấn đối xử tốt với ông chú ngươi chẳng qua là muốn dò la dấu vết của bảo vật, đồng thời để học vô lực thần công ở sư cụ của ngươi. Hôm ngươi về thăm sư cụ của ngươi tại Xóm Chùa cha ngươi cũng có mặt ở tại đó nhưng không muốn lộ diện. Ngay cả sư cụ của ngươi cũng không hề biết rằng cha ngươi vẫn lảng vảng xung quanh người để bảo vệ người.
Sau nầy khi cha ngươi đột nhập tỉnh đường đánh cắp tài liệu mật liên quan đến Việt Nam Quốc Dân đảng, bị thương và bị bắt rồi bị đày ra Côn đảo nầy mấy tháng sau.
Ta và cha ngươi gặp nhau ở đây, nhìn nhau mà lòng tràn đầy u uất. Sáu anh em Lục Sát của ta đã chết hết bốn, một do Tây giết và ba do Hồng kỳ Hội tức Việt Minh giết, từ lúc ngươi còn nhỏ. Còn lại hai anh em ta phải vất vả lắm mới giữ được mạng cho tới ngày nay. Trước khi cha ngươi trở về với sư cụ của ngươi, người nhắn ta nói lại với ngươi một chuyện rất quan trọng mà ngươi phải tuyệt đối nghe theo là nếu ngươi cứ một mực giữ lại báu vật trong tay thì đời ngươi cũng như con cháu ngươi phải chịu cảnh thiệt thòi. Ngươi hãy xét lại bản thân ngươi, từ ngày lọt lòng mẹ cho tới bây giờ ngươi có bao giờ thấy được một chút ấm êm của cuộc đời chưa? Cha ngươi cũng không một phút nào yên và ngay cả đứa con độc nhất mà ông cũng không dám nhìn nhận. Muốn dạy ngươi võ học cũng phải làm người bịt mặt."
Người tù già ngưng, lấy thuốc ra vấn, đốt xong ông kéo một hơi dài, ngửa mặt lên trời phì khói tiếp tục kể cho chàng nghe những lời nhắn gửi của bác Sáu Tuyên. Trong khi Tuấn lặng người nghe người tù già rỉ rả bên tai. Mỗi lời của lão chính là những nhát kim đâm vào da thịt và tâm não của chàng.
" Hiện nay ngươi là người độc nhất đã hoàn toàn thấu triệt đạo lý của nền võ học của ông cha. Ngươi có thể tạo cảnh xuất quỷ nhập thần chẳng mấy ai bì kịp, nhưng thử hỏi có bao giờ ngươi có thể đem tài năng đó ra xử dụng để giúp đời cứu nước được hay không? Hay là ngươi phải chịu nhịn nhục một cách yếu hèn? Ngày ngươi đi tham dự Hội Ðống Ða ở Lăng Tây sơn, ngươi đã bóp nát hòn đá cuội trong tay khi thấy thanh niên phái Xóm Chùa xử dụng võ công của Linh Sơn Tự bị phái khác đánh bại mà ngươi đành chấp nhận nỗi nhục nhã đó."
Lão lại rít một hơi thuốc lá khác rồi tiếp:
- Chắc ngươi không hề biết cha ngươi hoạt động rất tích cực cho công cuộc dành lại chủ quyền của dân tộc đang bị thực dân Pháp tước đoạt. Hồi ở Linh Sơn Tự, cứ mỗi lần nhận lệnh hành động của đảng cha ngươi lại rời chùa đi vài tuần hay nửa tháng mới về. Cứ mỗi lần đi như vậy ít nhất cũng có một tên ác ôn vào nằm ngủ trong nghĩa địa. Trong sáu anh em của cha ngươi thì cha ngươi nhỏ nhất nhưng võ nghệ lại cao cường nhất. Ta dù có luyện thêm năm mười năm nữa cũng không bằng, nhờ đó mà dù nhận công tác khó khăn nhất cha ngươi cũng thành công một cách dễ dàng.
Trong lúc Tuấn ngồi nghe bác Tính kể chuyện về cha chàng thì có hai người nhân viên trại tiến lại hỏi:
 - Ủa sao thầy Tuấn và bác Tính không nhập bọn mà vui với mọi người mà lại ra đây ngồi?
Ông Tính nhanh trí trả lời:
- Thưa Thượng Sĩ, hồi nãy khiên gỗ đóng khán đài tôi sơ ý sỉa chân bị trặt mới đến đây nhờ cậu Tuấn mằn hộ cho.
- Xong chưa?
Tuấn nói:
- Khoảng mười lăm phút hay nửa tiếng nữa tôi phải mằn lại một lần nữa mới yên được.
- Thôi được, các ông ngồi đây, chữa xong phải nhập bọn với mọi người xem nhạc kịch đấy nhé.
- Vâng! Ông Tính đáp gọn.
Khi hai người đi rồi, ông Tính nói:
- Vậy thì phiền ngươi chữa cho ta vậy. Thật ra ta đến đây cũng chính vì việc đó!
Tuấn quỳ xuống cầm chân phải của ông Tính lên xem, ông Tính chưa kịp nói gì thì đã nghe Tuấn bẻ chân đánh rắc. Ông Tính đau quá la oai oái. Nghe tiếng la mọi người đang xem hát quay lại thấy Thầy Tuấn đang quỳ nắn bóp chân cho bác Tính, vài người đổ ùa đến chỗ của hai người hỏi:
- Ủa sao bị gì mà phải cầu cứu thầy Tuấn vậy bác Tính?
- Già rồi, làm việc bị bất cẩn cho nên bị trẹo giò chớ có gì đâu!
- Xong chưa, có thầy Tuấn thì bị trẹo gì cũng chữa được mà, phải không? Một người đứng tuổi khác đùa. Mọi người cười lớn.
- Thôi ta đến nhậu tiếp đế nước lạnh đi. Một người khác nói.
Tuấn quay bác Tính hỏi:
- Bác thấy đỡ chưa?
- Không sao, ngươi để ta tự nhiên.
Tuấn và ông Tính nối gót theo mọi người đi xem văn nghệ.
Phần chót của chương trình văn nghệ là cuộc biểu diễn Thái Cực Ðạo. Những màn biểu diễn, song đấu, tam đấu hay công phá rất là ngoạn mục. Sau phần trình diễn võ thuật vị trưởng đoàn trong bộ võ phục Thái Cực Ðạo, mang đai đen có 5 gạch lên trước máy vi âm nói :
- Chúng tôi là Nguyễn Công Bằng còn một màn cuối cùng là đấu nội công. Nhưng tiếc rằng sư huynh của chúng tôi phải về Ðại Hàn gấp vì tang thân phụ. Ðược biết thầy Phạm Tuấn là một danh sư về nội công của võ Việt vậy trân trọng kính mời thầy giúp chúng tôi thực hiện màn nầy.
Nghe đến tên mình Tuấn chưa biết đây là cái bẫy của chính quyền hay vô tình do sự tiết lộ của nhân viên trại về khả năng của chàng. Mọi người quay lui nhìn Tuấn và vỗ tay vang trời. Tuấn ở trong thế tiến thối lưỡng nan chưa kịp phản ứng thì những người đứng bên cạnh Tuấn đã cầm tay Tuấn dơ cao.
- Mời thầy Tuấn - Hoan hô -  Hoan hô.
Ở trong tình thế nầy, Tuần đành phải vui vẻ tiến lên khán đài, phi thân lên đến bên cạnh võ sư Bằng. Hai bên hành lễ chào nhau. 
Tuấn nói :
- Ða tạ sư phụ đã có ý cho chúng tôi cái vinh dự nầy, nhưng chúng tôi chỉ sợ không xứng với vai trò.
- Do sự đề cử của ngài chỉ huy trưởng, chúng tôi tin rằng màn biểu diễn sẽ hấp dẫn và ngoạn mục.
- Nhưng chúng tôi biết biểu diễn gì đây ? Tuấn hỏi.
- Chúng tôi đề nghị hai màn. Màn thứ nhất là chỉ lực. Màn thứ hai là song đấu.
Nói xong võ sư Bằng quay qua giải thích cách thực hiện các màn cho Tuấn. Mọi người chỉ thấy Tuấn gật đầu chứ không nói gì. Khi giải thích xong võ sư Bằng ra dấu thì một môn sinh đem một trái dừa xanh ra.
Hai vị võ sư đúng đối diện nhau trên khán đài cách nhau khoảng  2 thước tây. Họ vái chào nhau xong, đứng với vị thế tấn thủ. Trong lúc đó người môn sinh cầm quả dừa trong tay đưa cao ngang tầm mắt rồi bất thình lình giậm chân thật mạnh.
Qua hiệu lệnh đó hai vị võ sư  cùng đánh chỉ vào trái dừa. Chỉ một mình Tuấn đánh thủng lỗ trái dừa bằng chỉ lực, nước dừa chảy ra. Dù vậy trái dừa ở trên tay của môn sinh không bị xê dịch. Võ sư Bằng cúi sát người vái Tuấn tỏ sự bội phục xong ông đến máy vi âm nói :
- Quý vị vừa thưởng thức màn chỉ lực đối ngẫu. Qua bao lần biểu diễn với sư huynh của chúng tôi, tôi chưa bao giờ chọc thủng được trái dừa trên tay môn sinh và luôn luôn trái dừa đã di động qua phía tôi hoặc rớt xuống đất. Thầy Tuấn, chẳng những đã chọc thủng trái dừa và đã giữ cho trái dừa không di động, chứng tỏ nội công của thầy đã đạt đến chỗ tối cao diệu vì thầy đã lượng định được đối lực một cách chính xác để khỏi làm xê dịch trái dừa. Ðiều nầy sư huynh chúng tôi không thể làm nổi.
Mọi người vỗ tay mãi không ngừng. Võ sư Bằng phải dơ tay ra hiệu mới ngưng hẳn. Ông nói tiếp:
- Và bây giờ là màn song đấu nội lực. Qua màn biểu diễn vừa rồi tôi chỉ là học trò của thầy đâu xứng đáng để song đấu với thầy. Kính mong thầy tha thứ và nương tay.
Qua hiệu lệnh của võ sư Bằng môn sinh đem ra hai miếng ngói có giây đeo. Hai vị đấu thủ đeo lên cổ, cho vào trong áo, vái chào nhau rồi đứng thủ thế. Một môn sinh đứng giữa hai người, phất tay ra dấu cho cuộc đấu bắt đầu. Hai đấu thủ đồng hét lên một tiếng như hổ gầm rồi vung quyền đánh vào ngực đối thủ. Cả hai cùng áp dụng quyền pháp của sư môn để né tránh không cho đối thủ đánh trúng ngực mình. Quần thảo với nhau độ vài phút thình lình Tuấn hét lên một tiếng thật to đánh ra một quyền vào ngực đối phương nhưng lại để lộ mục tiêu cho đối phương đánh một quyền vào ngực, đồng thời vận "vô lực thần công" để hộ thân. Nhận một quyền xong Tuấn nhảy lui cúi đầu chào. Hai người cùng phanh ngực ra cho khán giả xem. Miếng ngói của võ sư Bằng đã vỡ tan tành. Ông nói:
- Nôi lực của thầy thật cao diệu, có thể đánh vỡ miếng ngói của đối phương khi quyền còn xa mục tiêu cả một gang tay hơn thế nữa đã không đả thương đối phương, Trong khi đó lại để cho đối phương đánh trúng mình nhưng lại hóa giải được lực của đối phương thành vô lực. Công phu thật là tuyệt diệu.
Tuấn tháo gỡ miếng ngói đưa cho môn sinh, chào võ sư Bằng, chào mọi người xong nhảy xuống khỏi đài đi về chỗ cũ. Mọi người vừa trông theo bước đi của Tuấn vỗ tay vang dội.
 
 
                                            
Giới Thiệu 1 1-2 2 2-2 3 3-2 4 4-2 5 5-2 6 6-2 7 7-2 8 8-2 9 9-2 10 10-2 Bạt
 
   

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ

Sưu Tập

NQ Thương Hận Tập I
NQ Thương Hận Tập II
Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
 
Miếng Ngọt Quê Hương Về Trang Chủ

Friendly Links

Thực Vô Cầu Bão 25 Năm Xây Dựng CĐ Ha Huyen Chi
Cá Kho 25 years of the Community building Gia Đình Võ Bị
Món Xào Gia Phả Họ Nguyễn Diên Trường All Links
Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 07/01/16