Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

Hà Phương Hoài

Cơ Trời Vận Nước 

Chương Hai (tiếp)
                                             *
 
Tuấn vào Núi A Di Ðà ở với sư cụ được hơn một năm. Ngày ngày chỉ lo luyện công cũng như học chữ và đạo lý của Võ thuật tối cao do thiền sư Ðạo Nguyên chỉ dạy. Nhờ sự giác ngộ phần nào qua hai lần nhập quan thiền định, Tuấn có thể thấu suốt những đạo lý ảo diệu của võ học mà thiền sư dạy một cách dễ dàng. Ngoài ra Tuấn còn có nhiều khám phá mới. Thấy thế thiền sư Ðạo Nguyên đem hết sở học của mình truyền cho Tuấn. Ở mãi một nơi tứ bề chỉ có tiếng ve kêu chim hót cũng sinh nhớ nhà nhớ bạn. Một hôm Tuấn sau khi luyện võ xong, lấy áo quần ra suối giặt, thì thấy cái hộp đồi mồi mà bà Hồng đã đưa cho Tuấn trước đây. Tuấn đem cái hộp đó đến một chiếc bàn nhỏ đặt cạnh cửa sổ, ngồi xuống thận trọng mở nắp hộp ra, trịnh trọng cầm hai thẻ bài âm dương lên xem. Nhìn mãi Tuấn chẳng thấy có gì đặc biệt ngoài hai chữ "âm" và "dương" trên hai thẻ. Tuấn trả hai thẻ vào hộp và lấy hai cuốn sách ra xem. Cuốn thứ nhất là cuốn "An dân Chánh đạo" và cuốn thứ hai là "Binh thư Kỳ tuyệt". Tuấn mở cuốn an dân ra đọc trước. Càng đọc càng thích thú, quên cả việc giặt quần áo. Có lẽ mãi đến trưa mà vẫn không thấy Tuấn ra sân luyện võ cho nên thiền sư Ðạo Nguyên qua chỗ ở của Tuấn để kiếm. Khi thấy Tuấn đang đọc cuốn kỳ thư 'An dân Chánh đạo' lão biến sắc hỏi:
- Ngộ Kiếp ở đâu mà con có cuốn sách nầy?
- Dạ thưa sư cụ đây là gia bảo của mẹ con để lại.
- Thế còn cuốn 'Binh Thư Kỳ Tuyệt' và hai thẻ bài bằng ngà con có không?
- Thưa sư cụ con có, Tuấn mở hộp lấy sách và thẻ bài đưa cho thiền sư Ðạo Nguyên xem. 
Lão thiền sư Ðạo Nguyên tay run run cầm các báu vật nói:
- Rốt cuộc tất cả châu về hiệp phố.
Tuấn chẳng hiểu tại sao thẻ bài âm dương và hai quyển sách văn võ lại làm cho sư cụ hứng thú đến như thế. Trong khi đó lão thiền sư ôm sách và thẻ bài vào lòng mắt nhìn xa vắng.
- Chắc con không hiểu giá trị của hai quyển sách và thẻ bài âm dương nầy đâu! Nó quý giá đến độ cách đây 35 năm, mọi người trong giang hồ lẫn chính quyền Pháp cũng như nhà đương cuộc Việt Nam đã tranh nhau đoạt cho được. Bao nhiêu người đã mạng vong. Ta lúc ấy cũng vì muốn chận đứng cảnh đau thương nầy đã xuất hành can thiệp và vì phải nhúng tay vào cảnh máu tanh mà ta phải về đây sám hối tự bấy giờ cho tới nay.
- Tại sao những vật nầy quý giá đến độ bao nhiêu người xông vào chỗ chết như vậy? Tuấn hỏi.
Lão thiền sư kéo ghế ngồi cạnh Tuấn, từ tốn kể:
- Tương truyền lúc thiếu thời vua Quang Trung có lần đi lạc vào rừng sâu gặp dị nhân truyền cho binh thư và sách an dân và nói:
- Con có số làm hoàng đế, ta cho con hai cuốn sách nầy để tạo an bình cho xã tắc. Có điều muốn cứu dân Nam ra khỏi vòng đại họa, sát nghiệp của con sẽ rất lớn, và vì thế dòng họ có thể bị nạn diệt vong. Con có tránh được hay không còn nhờ hồng phúc của tổ tiên và cái tâm của con khi hành sự. Ta cho con hai chìa khóa âm dương nầy để mai hậu con cháu sẽ mở cửa thiên khố để khôi phục lại đế vị của dòng họ con, đồng thời cứu dân ra khỏi họa bị tận diệt.
Nói xong dị nhân biến vào không trung. Nguyễn Huệ hỏi cách xử dụng thì có tiếng vọng từ trên không rằng:
- Thiên cơ chưa có thể tiết lộ, khi cơ thời đến thì tự nó sẽ đắc dụng.
Triệt hạ nhà Nguyễn Tây Sơn xong, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Ngay sau khi đăng cơ, vua Gia Long nghe một kẻ làm việc bên cạnh Ngọc Hân Công Chúa tiết lộ, đã cho người đi truy tìm chìa khóa âm dương cùng thiên thư nhưng đã không thành công.
Khoảng 35 năm trước đây thì thiên thư xuất hiện ở Núi Thất Sơn trong Nam. Thế là giang hồ cũng như chính quyền đã đổ dồn về đó. Những trận thư hùng và đấu trí thần sầu đã xảy ra làm cho người chết vô số. Ta thấy kiếp nạn quá lớn đã không thể ngồi nhìn, cho nên đã tức tốc vào Nam tìm cách hóa giải. Khi đến Phan Lý thì thấy Thần Hành Dị Khách Nguyễn Bồng bị Tứ Tài Tử và quần hùng vây đánh bị trọng thương. Ta tiếp trợ được một lúc thì Nguyễn Bồng bị đuối sức. Họ tất cả nhảy lên đánh nhầu với ta, cố gắng giật túi vải trên tay của Nguyễn Bồng. Thấy tình hình quá nguy hiểm cho mạng sống của Nguyễn Bồng ta đành phải cõng ông ta chạy thoát khỏi vòng vây của bọn Tứ Tài Tử.
Kể tới đây ông để báu vật xuống bàn hỏi:
- Con nói rằng mấy vật nầy là của gia bảo vậy con là gì của Nguyễn Bồng?
- Dạ thưa sư cụ, con không biết ông Nguyễn Bồng là ai!
- Vậy cha con tên gì?
- Dạ thưa sư cụ cha con tên là Nguyễn Tuyên, có người còn gọi người là Sáu Tuyên.
Nghe tới đây lão thiền sư có chút xúc động, ông tiếp:
- Cha con hình dáng ra sao có thể nói cho ta biết được không?
- Dạ, con chưa bao giờ thấy được mặt người! Trả lời xong Tuấn mủi lòng cúi mặt, nước mắt từ từ tuôn rơi, nghẹn ngào nói không nên lời. Tuấn khựng một lúc sau mới tiếp:
- Cha con đã mất tích từ khi con còn trong bụng mẹ.
- Thế à! Thiền sư Ðạo Nguyên tiếp lời, Ngộ Kiếp, con có những vật nầy là do hữu duyên. Mai đây có hưởng được những sự tốt lành hay gánh những kiếp nạn gây nên bởi những vật nầy cũng là do phần số của con. Có điều ta muốn khuyên con rằng những vật nầy luôn luôn gieo họa cho những ai giữ nó, vậy cho nên con chớ bao giờ để lộ cho ai thấy, dù đó là người thân nhất của đời con cũng không được ngoại lệ.
- Có điều con chưa hiểu xin sư cụ chỉ dạy thêm.
- Con thắc mắc điều gì?
- Giới giang hồ có biết được diệu dụng của nó không?
- Riêng hai cuốn thiên thư thì ai cũng hiểu cách dùng, còn thẻ bài âm dương thì chưa ai rõ. Người ta lầm tưởng đó là chìa khóa để mở một kho tàng nào đó cho nên gọi là chìa khóa âm dương. Thật ra hai chữ thiên khố mà thần nhân nhắc tới chưa hẳn đã là kho vàng bạc châu báu, còn thẻ bài âm dương cũng chưa hẳn là chìa khóa để mở kho tàng đó vậy.
Ngừng một chút, mắt nhìn về dãy Trường Sơn hùng vĩ, thiền sư Ðạo Nguyên tiếp:
- Giới thông thạo về địa lý thì cho rằng Nước Nam là trọng tâm của những long mạch lớn có thể làm bá chủ thiên hạ và chìa khóa âm dương sẽ giúp mở được long huyệt. Nói tới đây thiền sư Ðạo Nguyên trìu mến nhìn Tuấn tiếp:
- Ta mừng cho con đã có những báu vật nầy, con hãy để tâm học thiên thư để mai mốt có thể giúp đời, cứu dân ra khỏi vòng nô lệ của ngoại bang và ngoại thuyết. Còn đôi thẻ bài âm dương ta đề nghị con nên hủy đi để tránh những tai kiếp do nó gây nên. Ngoại trừ con muốn giữ nó vì gia huấn ta không ép. Ta tin với võ nghệ của con, hiện nay trong giang hồ không có mấy ai là địch thủ.
Ngày tháng trôi nhanh, một năm nữa lại qua đi, thấm thoát mà Tuấn đã đến Chùa được bảy năm. Thời gian thay đổi dĩ nhiên con người cũng thay đổi. Tuấn bây giờ không còn là một đứa bé con ốm yếu mà là một thanh niên cường tráng. Người cao ráo. Ðôi mắt sáng ngời. Bề ngoài trông là một người vui tính vì trên môi lúc nào cũng sẵn sàng điểm một nụ cười.
Một hôm sau khi ăn cơm tối xong, Tuấn không đốt đèn, đến ngồi bên cửa sổ nhìn về hướng chùa. Tuấn nhớ thầy nhớ bạn nhất là nhớ đến Ngộ Pháp. Trong lúc hồn chàng đang thong dong trong thế giới của tình cảm tốt đẹp thì có tiếng động bên hè. Tuấn ngẩng đầu lên nhìn ra chỗ phát ra tiếng động, Tuấn thấy 3 bóng đen thấp thoáng gần tịnh thất của sư cụ. Tuấn tung người qua cửa sổ phía sau đi vòng về hướng của kẻ lạ mặt. Tuấn núp ở gốc chuối quan sát ba bóng đen kia, bỗng có một làn gió lạnh đặp vào gáy chàng, Tuấn liền dùng "truy ảnh bộ pháp" trong "thần hành di ảnh" né tránh đồng thời xuất chiêu "thần phong quá hải" đánh quật ngược ra đằng sau. Vì chưa biết đối thủ là bạn hay thù cho nên Tuấn chỉ dùng hai phần khí lực dù vậy chưởng phong cũng ra vù vù. Vừa nghe có tiếng giao tranh, ba bóng đen nhảy lại tiếp cứu. Từ ngày theo thầy học đạo cho đến nay, Tuấn chưa bao giờ xáp trận thật sự cho nên chàng rất có hứng thú thi triển những điều sở học để trắc nghiệm khả năng của Tuấn. Tuấn ra chiêu rất độc nhưng lại không muốn hại đối phương cho nên khi quyền hay cước sắp điểm trúng đối phương thì chàng đã thu về ngay. Hơn thế nữa nhờ đã đạt đến chỗ hài hòa trong vô thức cho nên lối đánh khó có thể ai lường được sự ảo diệu của chiêu thức hay đòn thế. Ngược lại bốn người kia quần thảo với Tuấn một cách chí tử nhưng cũng chẳng làm gì được Tuấn. Sau khoảng một khắc thời gian, Tuấn thấy đối phương quyết ăn thua đủ với chàng, điều đó chứng tỏ họ chẳng có chút thiện tâm nào, Tuấn nhất quyết phải thu phục họ. Tuấn xử dụng chiêu thứ hai mươi của "phục hổ hàng ma tam thập lục thức" cùng "truy ảnh bộ pháp", nhoáng một cái chàng đã điểm trúng huyệt đạo của cả bốn tên. Bốn tên ngã xoài trên mặt đất. Bỗng có tiếng vọng từ trong tịnh thất.
- Thật tuyệt diệu ! Chiêu thức phối hợp đẹp và chính xác.
Lão thiền sư Ðạo Nguyên bước ra khỏi tịnh thất, khen ngợi Tuấn.
- Ðây là Hắc Bạch Tứ Tài Tử của xứ Chùa Tháp. Trong khoảnh khắc mà con có thể hạ được bốn cao thủ đương thời, chứng tỏ con đã đạt được mức tối cao của võ học rồi đó.
Nói xong lão giải huyệt đạo cho Tứ Tài Tử.
- Ðã hơn ba mươi năm rồi, lão qui ẩn lo tịnh tu, vậy mà bốn thí chủ vẫn chưa cho là đủ để hóa giải những ân oán giữa chúng ta hay sao?
- Anh em chúng tôi đã bị bại dưới tay ngươi, vậy ngươi muốn làm gì thì làm. Nếu chúng tôi thoát được kỳ nầy hẹn ngươi ba năm sau sẽ trở lại tìm ngươi để tính cả vốn lẫn lời.
- Hơn ba mươi năm luyện tập mà các thí chủ vẫn không hạ nổi một đồ tôn của ta thì làm sao có thể tính chuyện trả thù. Trước đây vì lão tăng muốn hóa giải một kiếp nạn cho chúng sinh mà đã phải dấn thân vào việc tầm bảo của giới giang hồ hắc bạch hai đạo. Việc làm đó tuy cứu được bao nhiêu sinh linh song chính lão tăng lại khai đao sát sinh cũng không ít cho nên lão tăng đã qui ẩn, tu trì hơn ba mươi năm nay. Nếu các thí chủ vẫn cho việc nầy chưa đủ để hóa giải được ân oán giữa chúng ta, lão tăng nguyện đứng yên cho bốn thí chủ đánh bốn quyền. Các thí chủ có thể cùng ra tay một lần cho đủ sức mạnh. Lão tăng quyết không trả đòn cũng như không vận nội lực để chống đỡ.
- Nếu lão nói như vậy thì chúng tôi đâu dám khách sáo. Anh em chúng tôi bảo đảm sẽ thành toàn cho lão mau chóng về cõi Tây Thiên.
Hắc Bạch Tứ Tài Tử dàn ra đứng ở bốn phương vị khác nhau, vận nội công chuẩn bị ra đòn, bỗng có tiếng la:
- Khoan đã, Tuấn xen vào, bạch sư cụ để con chịu đòn nầy thay sư cụ. Tuấn vái vị sư già nói.
- Không được đây là vấn đề của ta, con không thể xen vào.
Lão thiền sư Ðạo Nguyên nhìn Tuấn một cách biết ơn rồi chậm rãi tiếp :
- Không ai có thể thay ta để hóa giải một ân oán đã tích lũy hơn ba mươi năm nay.
Quay qua Hắc Bạch Tứ Tài Tử lão tiếp:
- Các vị có thể ra tay được rồi đó.
Nói xong lão nhắm mắt, bình thản chấp tay niệm Phật, hơi thở điều hòa. Hắc Bạch Tứ Tài Tử lấy tấn, vận nội lực rồi một người hô, bốn người đánh thẳng vào lưng, ngực và hai bên hông của lão thiền sư Ðạo Nguyên. Lạ thay bốn người bị một lực vô hình đánh bật trở lại ngã lăn trên mặt đất. Trong khi đó lão thiền sư vẫn bình thường. Họ đứng dậy nhìn nhau rồi tung người vào bóng đêm mất dạng.
Tuấn lo lắng, vội vã chạy lại hỏi han vị sư già, nhưng người đã khoát tay nói:
- Ta không hề gì, con đừng lo cho ta. Lão ôn tồn nhìn Tuấn tiếp:
- Ðây là môn Vô Lực Thần Công, một môn võ bí truyền giòng họ ta. Nay mai ta sẽ truyền lại cho con. Môn thần công nầy khó tập nhất. Thành công chưa hẳn đã thành công vì thành công như ta thì chỉ có hại nhiều hơn lợi.
- Sư cụ nói gì mà con thấy khó hiểu quá. Tuấn nũng nịu với vị sư già.
Qua mấy năm sống bên cạnh sư cụ tình cảm giữa hai người cũng trở nên rất đậm đà. Có thể nói cái tình cảm gắn bó như tình cảm huyết tộc.
- Ðúng vậy con khó mà có thể hiểu thấu được vì chưng chính ta cũng không biết được rằng cho tới nay ta cũng chưa thấu đáo được cái huyền diệu của Vô Lực Thần Công. Ta đã hành sự lỗ mãng khi để cho Tứ Tài Tử đánh bốn quyền.
Tuấn chen vào:
- Con rõ ràng thấy Tứ Tài Tử tự chấp nhận bị bại bỏ chạy cơ mà!
- Chính chúng bại ta mới biết rằng sự thành công của ta trở thành nguy hại!
Tuấn bây giờ lại càng hồ đồ thêm. Tuấn đứng yên lặng, vì muốn hỏi nhưng chẳng biết sẽ phải hỏi ra làm sao! Thiền sư Ðạo Nguyên nhìn thấu tâm cang của đồ tôn của lão. Lão tiếp:
- Lúc ta chịu đưa thân ra đỡ bốn đòn của Tứ Tài Tử là kế "Kim Thiền Thoát Xác" mà thôi. Vì ta nghĩ rằng Vô Lực Thần Công của ta đã đạt đến cảnh giới cao, có nghĩa là ta có thể kiểm soát được lực phản hồi của thần công. Như vậy khi bốn quyền chết người của Tứ Tài Tử chạm phải thân người của ta sẽ bị thần công hóa giải và ta sẽ làm bộ ngã xuống chết. Ta mà chết thì Tứ tài Tử sẽ yên trí bỏ đi. Nhưng khổ nỗi thay, thần công đã đánh bật chúng làm chúng mất mặt. Ân oán giữa ta và chúng lại càng sâu đậm hơn.
- Như vậy càng tốt hơn, chúng sẽ bỏ ý định trả thù. Tuấn nói.
- Chuyện đời con chưa thông, cho nên mới nghĩ thế. Con phải biết rằng lấy lực chõi với lực sẽ sinh lực. Người tu hành lúc nào cũng lấy nhẫn nhục làm phương thức xử thế. Người đời trái lại coi trọng danh dự. Danh dự còn thì người còn, danh dự mất thì người mất. Trả thù chỉ là một hành động để bảo vệ cái danh dự đó. Con nên nhớ oan oan tương báo. Hận thù, hơn kém chỉ đưa con người đến cái chỗ vô thủy vô chung.
Ông nhìn Tuấn tiếp:
- Cái khó của Vô Lực Thần Công không phải chỉ tạo được cái lực quán thế để bá chủ thiên hạ mà là để cảm hóa thiên hạ. Ta qua hơn ba mươi năm tịnh tu cũng chưa gột bỏ được sức mạnh quán thế của đời. Có nghĩa là cái lực phản xạ của vô lực thần công vẫn còn là vũ khí giết người một cách vô tâm. Ta đoán chắc Tứ Tài Tử sẽ trở lại một ngày rất gần. Ngày trở lại của họ sẽ là ngày của chết chóc, ngày của đau thương. Vậy có phải ta đã làm hại mọi người qua sự thành công không tới nơi tới chốn của ta hay không?
Tuấn chỉ hiểu lơ mơ về những lời của thiền sư Ðạo Nguyên. Nó muốn hỏi thêm nhưng thiền sư đã tiếp:
- Bây giờ thì con chưa có thể hiểu được cái triết lý tối cao của Vô Lực Thần Công nhưng nếu con ráng suy nghiệm sẽ thấy sự diệu dụng của nó. Thôi con đi ngủ đi sáng mai còn dậy sớm tập chiêu cuối cùng của Phục Hổ Hàng Ma Tam Thập Lục Thức.
 
Ít hôm sau, sau khi ăn cơm chiều xong, Lão thiền sư kêu Tuấn vào tịnh thất.
- Ðây là bí cấp Vô Lực Thần Công con hãy theo đấy mà tập. Duyên sư đồ giữa ta và conđến đây cũng vừa tròn. Bí quyết để giúp con chóng đạt Vô Lực Thần Công chỉ có một chữ "Không". Bây giờ con thu xếp áo quần để xuống núi. Con hãy ráng hành hiệp giúp đời. Con nhớ là phải đi khỏi vùng ảnh hưởng của Linh Sơn Tự ngay. Con không được trở về Chùa. Việc giã từ thầy và mọi người trong chùa không còn cần thiết nữa. Con phải đi ngay. Sau nầy nếu duyên sư đồ chưa tận, thì ta vẫn còn có thể gặp nhau. Ði ngay đi. À con nên nhớ, tập vô lực thần công để bổ khuyết cho chỗ yếu của võ học, chớ bao giờ xử dụng nó một mình. Không giữ ý sẽ mang đại họa.
Tuấn tần ngần một lúc, rồi ngoan ngoãn quỳ xuống lạy lão thiền sư ba lạy. Lão thiền sư đi vội vào tịnh thất nói vọng ra:
- Tuyệt đối con không được quay trở lại chùa. Nếu không hậu họa khó có thể lường được. Nghe chưa?
- Dạ.
Tuấn đáp lời vị sư cụ bằng một tiếng nhỏ vừa đủ cho ông ta nghe nhưng trong lòng thì rối rắm với nhiều nỗi thắc mắc. Tuấn lặng lẽ cúi đầu đi vào nhà thu xếp hành trang, gói kỹ các di vật bỏ vào một cái bao vải, đeo lên vai đi về hướng tịnh thất của thiền sư Ðạo Nguyên để giã từ người.
Thiền sư quát lớn:
- Thôi không cần phải thủ tục rườm rà. Ði ngay kẻo trời tối rồi.
Biết không thể cãi lời sư cụ được, Tuấn đành lặng lẽ chạy ra khỏi Núi A Di Ðà Sơn.
Tuấn nhắm hướng Hắc Bạch Tứ Tài Tử chạy thoát sau khi bị thọ thương vì Vô Lực Thần Công của lão thiền sư Ðạo Nguyên. Ði chừng một khắc đồng hồ thì phát hiện có ánh lửa bập bùng phía sau lưng. Tuấn quay đầu lại thì phát hiện có hỏa hoạn ở Linh Sơn Tự .
Chẳng cần suy nghĩ, Tuấn tức tốc tung mình chạy một mạch trở lại chùa. Tới nơi thì Tuấn thấy một cảnh hãi hùng đã xảy ra. Các đệ tử trong chùa đều bị thảm sát. Hầu như mọi người đều chết dưới một dạng thương tích như nhau: Tâm mạch nát bấy, máu đẫm ngực. Tất cả mọi công trình vật chất của tiền nhân trên trăm năm nay bây giờ chỉ còn lại đống tro tàn. Tuấn đi đến từng phòng của các vị sư chú, sư bác cùng thầy nhưng chẳng thấy xác của các người đâu cả! Nhà bếp tuy không bị suy suyển gì nhưng bác Tư thì nằm chết trên giường còn bác Sáu Tuyên thì không thấy dấu vết gì. Tuấn lục soát khắp nơi không còn một ai sống sót. Tuấn sực nhớ đến sư cụ bèn chạy như bay ra núi A Di Ðà. Tuấn thấy tịnh thất vắng tanh. Bàn ghế trong tịnh thất đều bể nát điều đó chứng tỏ một trận ác chiến hay đập phá đã xẩy ra tại đây. Kệ sách của sư cụ bị lục tung, vách tường bị phá vỡ nhiều chỗ. Tuấn tự hỏi:
- Ai đã gây nên đại nạn nầy? Còn các vị sư cụ, sư ông, sư bác và các thầy, cả bác Sáu nữa hiện giờ đang ở đâu?
Tuấn ra trước hiên tịnh thất ngồi yên lặng. Rồi Tuấn bật khóc. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm trong bảy năm qua trở lại với Tuấn.
Hừng đông bắt đầu chói rạng, tiếng chim líu lo của những ban mai thường nhật đã bắt đầu. Có lẽ chúng không biết một biến cố lớn đã xảy ra tại đây vào đêm qua. Chùa Linh Sơn đã không còn nữa. Tuấn quay trở lại chùa thì thấy vài đệ tử tại gia từ các nơi, sau khi phát hiện Linh Sơn Tự bị nạn đã kéo về. Một người thấy Tuấn xuất hiện reo lên:
- May quá Ngộ Kiếp còn sống!
Tuấn ở lại với anh em đồng môn để lo tang sự cho các sư huynh đệ. Khi chôn cất mọi người xong Tuấn quyết định rời khỏi nơi này để đi tìm kẻ thù diệt sư môn, đồng thời dò la dấu vết của sư cụ cùng mọi người. Trước khi rời khỏi nơi mà Tuấn đã lớn lên cùng nhận được tình thương và giáo huấn, Tuấn muốn nhìn lại những hình ảnh thân yêu đó một lần chót. Trước hết Tuấn đi qua nhà ngủ của mọi người, dù bây giờ chỉ là một đống tro tàn. Tuấn đau đớn nhìn đống than như ẩn chứa cả một vòm trời kỷ niệm của đời Tuấn. Tuấn đứng lặng nhìn, bỗng cảm thấy mắt cay sè... Chịu không được cảnh đớn đau chua xót nầy, Tuấn quay gót đi qua sân mà Tuấn hằng đêm ra tập võ, Tuấn phát hiện một vòng tròn âm dương bằng máu nơi ghế đá mà Tuấn vẫn ngồi khi nghỉ mệt. Tuấn cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó nhưng vì không có kinh nghiệm giang hồ thì làm sao mà hiểu thấu được. Sau khi mọi người ai về nhà nấy, Tuấn thui thủi đi rời chùa. Tuấn nhắm mắt đi nhưng chưa biết sẽ phải đi đâu. Tuấn phải chấp nhận một cuộc khởi hành không có tính toán gì trước cả.
Vì qua mấy đêm không ngủ và những ngày dài lo hậu sự cho mọi người Tuấn cảm thấy thân thể rã rời. Tuấn mới đi được khoảng một giờ đường thì gặp một miếu Thổ Ðịa, Tuấn vào miếu kiếm một góc thoải mái nằm xuống nghỉ mệt đợi sáng mai sẽ vào thành. Tuấn thấy dưới chân bàn thờ là chỗ kín đáo nhất có thể ngủ được liền đi ra ngoài bẻ cây làm chổi quét dọn một chỗ nằm. Tuấn lấy tay nải làm gối nằm xuống ngủ. Khi đầu vừa chạm phải hộp chìa khóa âm dương, Tuấn lấy ra ngắm nghía một lúc rồi lẩm bẩm :
- Xin sư cụ, nếu ngài đã tịch, xin ngài tha thứ cho tội đối nghịch của đồ tôn, không phải con không vâng lệnh của sư cụ, nhưng vì con không muốn hủy hoại di vật của mẫu thân, Hơn nữa thân thế của con vẫn chưa có chút manh mối nào, biết đâu vật nầy chẳng giúp cho con tìm ra thân thế của mình.
Khấn xong Tuấn quay về hướng Linh Sơn Tự quỳ xuống lạy bốn lạy rồi bỏ di vật vào tay nải rồi nằm xuống ngủ. Nằm xuống một chút không biết nghĩ gì, Tuấn đứng dậy bưng tượng Thổ Thần trên bàn thờ xuống ngắm nghía. Một lúc sau Tuấn chạy ra trước miếu đào đất lấy một tý đất sét đem vào miếu. Tuấn ngó dáo dác xung quanh một lúc đoạn lấy hai thẻ bài nhét vào ruột tượng Thổ Thần xong lấy đất sét bịt lỗ rỗng lại. Xong công việc, Tuấn nằm xuống đánh một giấc cho tới sáng.
Thành phố Qui Nhơn vào một ngày cuối đông, cái lạnh ướt át của miền duyên hải làm cho mọi người bộ hành phải khép nép vào trong những chiếc áo tơi bằng lá. Những người giàu thì đi xe, ngồi trong xe có mui che có rèm phủ, kẻ nghèo thì cong lưng chống chõi với cái lạnh cóng xương, làm thân trâu ngựa cho người sướng thân! Lần đầu tiên thấy cảnh tương phản của cuộc đời Tuấn không khỏi cảm thấy bất nhẫn trong lòng. Tuấn đi sâu vào phố thị và dù trời mưa rét mướt nhưng quán xá vẫn đông người. Các cửa hàng bầy biện rất đẹp mắt. Ðảo mắt một vòng để tìm một quán nước, kiếm gì lót dạ, vì đã hơn một ngày trời Tuấn chỉ ăn hai củ khoai lang.
Bước chân vào một tiệm ăn bình dân nhưng rất sạch sẽ, Tuấn đang ngơ ngác chưa biết phải làm gì thì người hầu bàn chạy ra mời Tuấn ngồi vào một chiếc bàn con gần cửa, xong đưa thực đơn cho chàng. Tuấn không biết gọi món ăn nào, đúng lúc đó người ngồi bàn bên cạnh gọi:
- Cho một tô mì thập cẩm hai vắt, một cái xây chừng.
Tuấn bắt chước gọi ngay:
- Cho tôi một tô mì chay.
Người hầu bàn nhìn Tuấn một cách ngạc nhiên xong rồi trả lời:
- Ở đây không bán cơm chay, Muốn ăn chay thì vào chùa mới có.
Tuấn thầm nghĩ mình đâu phải là người xuất gia thì đâu cần chay trường, nghĩ vậy mới nói:
- Vậy thì cho một tô mì không chay vậy.
- À cái anh này kêu món ăn gì mà kỳ quá vậy. Anh phải cho biết anh muốn ăn loại mì gì. Mì tôm, mì vịt, mì thập cẩm... anh ta đọc cho một hơi cả chục loại mì. Tuấn không biết nên chọn món nào, cho nên thành thật nói:
- Anh à tôi ở quê mới lên, chưa bao giờ ăn mấy thứ nầy, vậy anh cho món nào ăn no bụng thì được rồi.
Người hầu bàn có lẽ thông cảm cho hoàn cảnh của Tuấn, rót nước cho chàng xong đi thẳng vào nhà bếp. Có lẽ đây là một quán ăn ngon cho nên đã mười giờ sáng thế mà thực khách còn đầy tiệm. Họ cười nói hút thuốc phì phà khói um cả tiệm.
Tuấn cảm thấy lạc lõng quá, lơ đễnh nhìn ra đường. Trong khoảnh khắc người hầu bàn đã đem cho chàng một tô mì lớn khói lên nghi ngút. Tuấn cầm đũa lên gắp mì ăn. Vì đã bảy năm hơn chàng ăn chay trường cho nên cảm thấy tô mì tanh tưởi lạ thường, nhưng cũng ráng nuốt, vì kể từ nay chàng phải sống như mọi người. Ăn xong tô mì, Tuấn vừa cầm tay nải định lấy tiền ra trả rồi tiếp tục con đường vô định của chàng thì có tiếng huyên náo ở góc tiệm. Tuấn ngẩng đầu lên nhìn về hướng đó thấy một cô gái ngồi với một người con trai ăn mặc bảnh bao, bị một số người gây sự:
- Nếu cô nương biết điều thì ưng thuận theo lời của cậu của tôi đi. Ở đây thiếu gì người đẹp hơn cô nhưng cậu của ta chỉ chiếu cố đến cô thôi.
Người con trai đi chung với người con gái giận dữ đẩy bàn sang bên quát:
- Này cái lũ chó săn xách giầy cho em ta còn chưa xứng huống hồ... Mau cút đi cho khuất mắt ta bằng không ta sẽ không tha cho các người đâu.
- Người dám nhục mạ ta hả, một thanh niên bảnh bao ngồi gần bàn kế bên đứng dậy la lớn. La xong hắn nhìn qua bàn của đám thủ hạ ra lệnh:
- Tụi bay bẻ răng thằng nhóc nầy cho ta.
Bọn người đàn ông mặt mày hung ác đứng dậy nhào vô đánh nhầu người thanh niên đi chung với cô gái. Người thanh niên lúc đầu còn đánh tây đỡ đông, nhưng nhất hổ bất địch quần hùng, anh ta đã trở thành bị thịt cho bọn người kia đánh tới tấp. Tuấn thấy cảnh bất bằng không nhịn được, đành đeo tay nải lên vai đứng dậy can họ. Tuấn thay vì trực diện với bọn côn đồ, đã dùng trí để chúng tự đánh lẫn nhau. Chỉ một lúc sau bốn tên đó mặt mày sưng húp. Biết rằng bọn họ đã gặp phải địch thủ đáng nể, kéo nhau rút lui êm thắm.
Người thanh niên, anh của cô gái bị đánh nhừ tử, nằm gục lên bàn. Tuấn đỡ chàng ta dậy, nắn bóp vài cái chàng thanh niên đã thấy dễ chịu. Cô gái tiến đến trước mặt Tuấn nói:
- Anh em chúng tôi xin thành thật đa tạ ân nhân đã ra tay tương trợ. Xin ân nhân vui lòng cho biết quý danh. Tôi tên là... và  người con gái cảm thấy thật khó khăn mới nói ra được tên của mình, tôi tên là... là... Tú Anh, anh tôi là Quân.
- Xin cô và cậu Hai đừng khách sáo, phận làm trai khi thấy việc trái tai gai mắt ai ai cũng hành động như tôi thôi. Vả lại tôi có làm gì đâu mà cô gọi là ân nhân. Chẳng qua chúng bất cẩn đánh nhằm nhau trọng thương đấy thôi!
- Nếu tôi không lầm thì ân... à... anh từ xa đến đây phải không? Xin cho biết quý danh để tiện xưng hô!
- Dạ đúng thế, tôi mới từ quê đến đây kiếm việc sinh sống. Tên tôi chẳng có gì đáng để cho cô và cậu Hai phải bận tâm.
Qua một lúc vấn đáp giữa Tuấn và Tú Anh, Quân bây giờ mới hoàn hồn lên tiếng:
- Nếu anh đến đây kiếm việc làm hay là về dinh tuần vũ của cha tôi. Người sẽ có nhiều việc cho anh làm lắm. Luôn tiện...
Quân định nói gì đó nhưng tự nhiên khựng lại, Tú Anh đánh trống lảng:
- Chắc anh cũng không ngại gì phải không?
- Nếu nhờ cậu Hai giúp mà tôi kiếm được một công việc vừa sức là một điều may mắn cho bản thân tôi vậy.
- Vậy thì hay quá! Nói xong nàng quay về hướng quầy tiền nói to:
- Phổ ky tính tiền.
Ở một tỉnh lỵ nho nhỏ nầy thì con cái của những người có máu mặt vênh váo, kênh kiệu nhau ở trong quán xá cũng chỉ là chuyện thường. Người phổ ky, nhìn bàn ghế đổ gẫy, gãi đầu khó xử.
Tú Anh biết điều đó cho nên trấn an
- Tính luôn cả hư hao, chúng tôi trả luôn cho
- Dạ, người phổ ky cũng sợ mất lòng quan tuần vũ cho nên nói đẫy đưa, chúng tôi đâu dám đòi khoảng đó.
- Không sao, cứ tính đi đừng ngại.
- Nếu cậu Hai và cô rộng lượng hải hà thì xin cho chút ít để sửa lại. Mấy cái ghế nầy cũng chẳng đáng là bao.
Trong lúc Tú Anh loay hoay trả tiền, Tuấn về bàn móc quý kim ra trả.
- Tôi không có tiền, xin anh vui lòng nhận thứ nầy vậy.
 Nói xong Tuấn đưa một sợ giây chuyền bằng vàng độ mấy chỉ cho người hầu bàn.
- Trời ơi một tô mì có mấy đồng mà anh đưa thứ này thì làm sao mà tính.
Khi đã trả tiền xong, Tú Anh và Quân đến bàn Tuấn, để cùng đi với chàng thấy sự thể Quân liền móc tiền ra trả cho người hầu bàn nói.
- Thôi anh lấy tiền nầy vậy!
Tuấn bối rối nói:
- Ấy ai mà làm như vậy?
- Anh yên tâm đi, Tú Anh nhanh nhẩu xen vào, chút xíu có gì đáng kể đâu!
Người thanh niên tên Quân thân mật nắm tay Tuấn kéo đi ra cửa. Dù người bị đau nhức và có vết bầm dập trên mặt, Quân thấy hứng thú vì đã có được một người bạn mới, võ công cao cường. Muốn kéo dài những phút hứng thú nầy, nên Quân kêu anh phu xe của phủ tuần vũ đang đợi họ, khoát tay nói:
- Chú về trước đi, Anh em chúng tôi đi bộ về. Chú thưa với quan lớn, chúng tôi về ngay.
Họ vừa đi vừa cười nói thật là vui vẻ. Tuy vừa biết nhau thế mà Tú Anh và Quân cung xử rất tự nhiên với Tuấn làm như họ đã quen nhau từ lâu rồi.
Tuấn ít nói, hơn nữa mới chỉ là sơ giao, cho nên chỉ trả lời những câu hỏi của Tú Anh và Quân. Dĩ nhiên những câu mà họ hỏi Tuấn chỉ là những câu hỏi về Tuấn. Chuyện chưa hết mà họ đã về tới cổng phủ tuần vũ. Tú Anh và Quân dắt Tuấn ra mắt quan tuần vũ và phu nhân:
- Ba má à hôm nay chúng con bị một đám côn đồ hành hung may nhờ anh nầy cứu. Con đưa anh về xin ba má tạ ơn. Quan tuần vũ nhìn Tuấn, tuy không tỏ vẻ khinh khi nhưng trong bụng nghĩ thầm: "Không hiểu hắn đã làm gì mà cứu được con của mình khỏi tay bọn vô loại", đã ôn tồn hỏi:
- Anh chắc không phải là người địa phương?
- Thưa quan lớn con từ nhà quê lên đây kiếm việc làm. Con cũng chỉ vì thấy việc bất bằng quờ quạng vài chiêu nhưng nhờ hồng phúc của quan lớn cho nên cô Ba và cậu Hai thoát nạn. Thật ra con chẳng có tài cán gì cả!
- Không phải đâu ba ơi, anh ấy khiêm nhường đó. Tú Anh nhanh nhẩu trả lời, Con không biết anh ấy đã dùng phép gì mà bốn tên hộ vệ của thằng Phương đang đánh anh Quân xoay ra đánh nhau đến lỗ đầu chảy máu mũi đến thảm hại đó ba má à!
- Anh có đi học không?
- Dạ thưa quan lớn, con cũng được học đôi chút.
- Anh học đến lớp mấy?
- Dạ trình quan lớn, con chỉ học với một thầy đồ cho nên không phân biết lớp lang gì cả! Tuấn không dám nói sự thật.
- Như vậy anh chỉ học chữ nho không thôi sao?
- Dạ thưa con học cả tân lẫn cựu.
- Nếu anh có học chữ Hán, ta có một câu đối mà ta vẫn chưa tìm ra được vế đối, anh giúp hộ ta nhé.
- Dạ thưa quan lớn, con đâu dám, con chỉ học chút ít chữ nho cho nên không thạo về thơ phú, xin quan lớn tha tội cho.
Thấy Tuấn nói năng lễ phép, đúng là người có chút sách đèn, ông nói:
- Chúng tôi thành thật biết ơn lòng nghĩa hiệp của anh. À chẳng hay lệnh tôn lệnh mẫu ở đâu mà anh lại ra tỉnh kiếm việc làm?
- Dạ con mồ côi sớm, sống nương nhờ người khác nhưng nay họ cũng không còn nữa, do đó con đến đây tìm kế sinh nhai.
- Thôi được, luôn tiện ta cũng đang cần thêm một thầy ký ở phủ đường. Anh ở đây điền vào chức vụ ấy giúp ta.
Tuấn tuy không thích lắm vì không quen đời sống quan quyền nhưng dù sao mới ra đời cũng cần có nơi nương tựa, từ từ rồi kiếm chỗ khác thích hợp hơn, vả lại chỗ nầy cũng tiện cho việc truy tầm hung thủ diệt sư môn của chàng. Nghĩ vậy Tuấn chấp tay vái:
- Ða tạ quan lớn đã thương con, hảo ý của quan lớn con đâu dám khước từ. Quay qua Quân Tuấn tiếp:
- Nếu có điều gì sơ sót xin cậu Hai bồi đắp thêm cho.
Quan tuần cho chàng một căn phòng nhỏ ở nhà sau phủ đường thường dùng cho các quan sai cấp nhỏ từ các huyện khi có việc lên phủ ngủ qua đêm.
- Bay đâu, mau lo dọn một căn phòng ở sau dịch xá cho thầy ký ở.
Quân hầu ngơ ngác nhìn Tuấn dạ một tiếng rồi lễ phép mời Tuấn đi theo họ đến dịch xá. Thế là bỗng nhiên Tuấn trở thành thầy ký của phủ tuần vũ. Tuấn không biết việc nhưng nhờ một thư lại đang tại chức chỉ điểm. Với trí thông minh chỉ trong một thời gian ngắn Tuấn đã thông thuộc phần nhiệm vụ của chàng. Quân, từ ngày có Tuấn trong tỉnh đường, đỡ thấy cô đơn. Quân thường xin phép cha đưa Tuấn đi chơi đây đó, nhờ vậy việc học hỏi của Tuấn càng nhanh hơn. Thấy công tử nhà quan hay đưa đón thầy ký đi chơi, các bạn đồng nghiệp của Tuấn đâm ra nể vì. Nhiều khi họ còn làm hết mọi công việc cho Tuấn. Tú Anh rất thích Tuấn nhưng lúc đầu nàng giữ thể, chỉ gặp Tuấn khi nào có anh nàng mà thôi.
Một hôm Quân ngỏ ý xin Tuấn nhận Quân làm đệ tử. Nhận thấy Quân tuy là một công tử con quan nhưng tính tình điềm đạm, tốt với mọi người cho nên Tuấn nhận lời dạy chàng và Tú Anh.
- Tôi có thể truyền thụ võ nghệ cho cậu và cô nhưng không được cho ai biết, và không thể gọi tôi bằng thầy vì tôi dù sao tuổi cũng chỉ ngang hàng với quý vị.
Từ đó tối nào Tuấn cũng để dành chút ít thời giờ dạy võ nghệ cho Quân và Tú Anh.
Thời gian thấm thoát trôi qua nhanh, Tuấn đã ở nhà quan hơn nửa năm. Tuấn chẳng những được sự quý chuộng của mọi người nhất là hai anh em Quân mà quan Tuần cũng rất tin dùng chàng. Mỗi khi có việc đi kinh lý các huyện Tuấn thường được ông cho đi theo. Có một lần Tuấn theo ông đi về huyện Tây Sơn. Quan huyện họ Phan tiếp đón phái đoàn tại huyện lỵ. Trong phần thuyết trình ông huyện nói:
- Tình hình chung của huyện về mọi mặt đều khả quan, thuế má năm nay, thu có phần trội hơn năm trước nhờ dân chúng được mùa. Riêng tình hình chính trị thì có nhiều điều đáng ghi nhận. Tàn dư của Việt Minh vẫn còn, thế lực của chúng không giảm bớt như dự tính mà còn mỗi ngày một lớn mạnh. Ðiều đáng nói hơn hết là trong những tháng gần đây, có một việc làm ty chức lo ngại vô cùng, đó là việc giới hắc bạch kéo nhau về làng Tây Sơn. Sự chuyển động nầy đã làm xáo trộn dân sinh không ít.
- Chuyến kinh lý kỳ nầy của bổn chức đến quý huyện cũng không ngoài lý do nầy. Quan lớn có tìm hiểu được căn nguyên mà giới giang hồ hắc bạch đã đổ dồn về Tây Sơn chưa?
- Bẩm quan lớn, sau khi thấy có vài biến chuyển đáng ghi nhận thì ty chức đã tức tốc cho người đi điều tra. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy đây là một cuộc chuyển động trọng đại có tính cách lịch sử.
- Quan lớn có thể nói rõ hơn được không?
- Trình quan lớn, họ đổ dồn về Tây Sơn để tầm bảo. Họ tin rằng Hoàng Ðế Quang Trung còn để lại một kho tàng rất lớn cho dòng dõi của mình tại làng Tây Sơn.
- Hoàng Ðế Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân thì làm sao lại chôn kho tàng ở đây?
- Trình quan lớn, tương truyền rằng khi còn ấu thời, Nguyễn Huệ đã gặp được thần nhân khi đi vào rừng luyện võ và thần nhân nầy tặng cho một bộ thiên thư bình và trị quốc gồm hai quyển sách. Quyển một là văn - dạy phép an dân, quyển hai là võ - dạy phép dùng binh. Hoàng Ðế Quang Trung đại thắng được quân Thanh là nhờ vào quyển thiên thư nầy. Ngoài ra thần nhân còn cho một đôi chìa khóa âm dương dùng để mở một kho tàng. Kho tàng nầy chỉ được xử dụng vào việc phục quốc sau nầy. Thật ra kho tàng ở đâu không ai biết. Nhưng người ta đoán rằng kho tàng đó phải ở làng Tây Sơn. Lý do dễ hiểu thôi, vì Tây Sơn là tụ điểm của nhiều long mạch sẽ sinh ra vị thiên tử bá chủ thiên hạ. Chính người Tầu lo sợ điểm nầy nên đã cho người sang phá ngôi đất kết của nhà Nguyễn Tây Sơn trước đây. Vậy kho tàng của trời cho cũng phải ở trong phạm vi ngôi đất trời cho nầy vậy.
- Chuyện nầy đã xảy ra trước đây cả hơn hai trăm năm tại sao tới nay họ mới bắt đầu đi tìm?
- Thật ra vụ tìm kho tàng tại đất Tây Sơn nầy cũng đã xảy ra rất thường xuyên. Cách đây 35 năm giang hồ cũng đã dậy sóng và biến cố đó đã kéo dài cho đến ngày nay. Theo ty chức được biết thì cách đây gần một năm, khi Hắc Bạch Tứ Tài Tử của xứ Chùa Tháp đến Linh Sơn Tự đòi món nợ hơn ba mươi mấy năm trước nhưng đã bị bại dưới tay của một đồ tôn của Ðạo Nguyên lão Thiền Sư. Sau khi được thả, xuống núi tung tin rằng người giữ chìa khóa bảo tàng của dòng họ Tây Sơn còn sống và hiện đang sống ở Linh Sơn Tự. Ít lâu sau toàn thể tăng chúng trong Linh Sơn Tự đều bị thảm sát. Nhưng lão thiền sư Ðạo Nguyên cũng như đồ tôn của ông ta không có mặt lúc chùa bị thảm nạn. Giang hồ nghĩ rằng đồ tôn của lão chính là con trai của Nguyễn Tuyên hay chính là lão đầu bếp trong chùa.
Tuấn đang ngồi chăm chú nghe giật bắn người.
Sau khi chiêu xong ngụm nước trà quan huyện nói tiếp:
- Nguyễn Tuyên chính là con trai của Thần Hành Di Ảnh Nguyễn Bồng, cháu kêu lão thiền sư Ðạo Nguyên tức Nguyễn Bổng bằng chú. Hai Mươi mấy năm trước đây Nguyễn Tuyên sống với vợ ở làng Tây Sơn. Nguyễn Tuyên rất thần bí cho nên chẳng mấy ai biết rõ lão là ai. Qua giới giang hồ, theo lời của Hắc Bạch Tứ Tài Tử, thì đồ tôn của lão thiền sư Ðạo Nguyên được chân truyền về Thần Hành Di Ảnh và Phục Hổ Hàng Ma Tam Thập Lục Thức hai môn bí truyền của nhà Nguyễn Tây Sơn. Môn võ tối cao nầy không truyền cho người ngoài, thế mà đồ tôn của lão ta tập được. Do đó họ để tâm điều tra, mới biết được rằng, cậu bé đó chính là Nguyễn Tuấn từ làng Tây Sơn nhập môn Linh Sơn Tự bảy năm về trước.
Quan tuần vũ nghe như thế, không biết vô tình hay hữu ý, quay qua nhìn Tuấn, Tuấn lấy hết bình sinh để giữ không cho những phản ứng về tâm lý lộ ra trước mặt hai người.
Tuấn không ngờ chuyến đi nầy của chàng lại có nhiều bổ ích đến thế. Tuấn tự an ủi:
- À ra môn Thần Hành Di Ảnh và Phục Hổ Hàng Ma Tam Thập Lục Thức là môn võ bí truyền của nhà Nguyễn Tây Sơn? May mình đã dối họ chứ không thì lộ hết cả rồi.
Nhưng câu chuyện do Phan Tri Huyện kể lại, làm cho Tuấn thấy rối như tơ vò. Nội dung quan huyện thuyết trình cho quan tuần thiệt là đầy đủ chi tiết, làm như ông ta là người trong cuộc vậy. Theo như lão cho biết thì Nguyễn Bồng là anh song sinh của sư cụ của chàng vậy mà khi kể chuyện xảy ra ở Phan Lý, sư cụ không hề nhắc hay nhận Nguyễn Bồng là anh? Tại sao Nguyễn Tuyên là con của Nguyễn Bồng tức là cháu ruột của sư cụ mà sư cụ chẳng chút xúc động khi Tuấn cho người biết Tuấn là con của Nguyễn Tuyên tức Sáu Tuyên. Còn chuyện của chàng nhập môn ở Linh Sơn Tự lão cũng biết rất rõ. Trong chùa ngoại trừ Thầy và Ngộ Pháp biết rõ tên cúng cơm của Tuấn còn mọi người chỉ biết có Pháp danh của chàng là Ngộ Kiếp mà thôi. Thật ra cái tên Tuấn không có họ chỉ sống ở chùa trong một thời gian chưa đầy bốn tháng, thì làm sao có người nhớ được, thế mà lão tri huyện lại nêu đích danh Nguyễn Tuấn. Nghĩ tới đây Tuấn rùng mình và hối hận đã không thay tên đổi họ khi vào làm việc với quan Tuần.
Trong khi đó viên Phan Tri Huyện chiêu một hớp nước trà rồi tiếp:
- Sau vụ thảm sát ở Linh Sơn Tự, người ta tin chắc rằng, Nguyễn Tuấn cũng như chú của hắn, hậu duệ của Vua Quang Trung, vẫn còn sống, ắt phải dìu dắt nhau về ẩn náu xung quanh vùng có kho tàng cho nên giang hồ hắc bạch lại kéo nhau về đó mong tìm được chút lợi.
- Quan lớn còn điều gì quan trọng cần trình bầy nữa không? Lão tuần vũ hỏi.
- Dạ trình quan lớn, chỉ có bấy nhiêu. Bây giờ chắc quan lớn cũng đã mệt lắm rồi, xin mời quan lớn về phòng nghỉ ngơi một tý, tối nay ty chức xin qua rước quan lớn dùng cơm tối.
Quan tuần vũ đứng dậy theo quan huyện họ Phan, Tuấn cũng đi theo người tùy phái của huyện lỵ về phòng dành riêng cho các viên chức tháp tùng phái đoàn. Vừa đi vừa nghĩ về lời của quan huyện, Tuấn toát mồ hôi hột. Nếu vô ý một chút có thể gặp nhiều rắc rối. Những dữ kiện thu thập được ngày hôm nay rất bổ ích cho việc đi tìm thân thế của Tuấn. Tuy còn nhiều khúc mắc nhưng Tuấn có thể nghĩ rằng bác Sáu Tuyên là thân phụ của chàng. Sở dĩ ông ta không muốn nhận chàng vì sợ kẻ thù biết được sẽ gây nhiều khó khăn cho cả đôi bên. Nghĩ đến đây chàng mừng thầm là đã dấu chìa khóa âm dương một nơi an toàn. Nếu chàng nghe lời sư cụ hủy hoại đi thì bây giờ chàng sẽ hối tiếc vô cùng. Thật ra Tuấn cũng tò mò muốn biết bí mật của đôi chìa khóa âm dương. Nghĩ đến lão quan huyện họ Phan, Tuấn có ít nhiều nghi vấn...
Chiều hôm đó trong lúc quan huyện thù tiếp quan Tuần, thì Tuấn đi ra phố ăn cơm. Cơm xong Tuấn tìm xe lên Tây Sơn. Khi tới nơi thì trời cũng đã tối. Tuấn đi vội thăm mồ mẹ và Bà Hồng. Tuấn quỳ khấn vái một lúc rồi đi thẳng về nhà Trương bá hộ. Vì không muốn cho ai biết cho nên Tuấn tìm một chỗ nhìn vào trong phòng khách. Dưới ánh đèn dầu lung linh, Tuấn thấy cả nhà đang ăn cơm. Trương ông và Trương bà trông già đi nhiều. Bên cạnh Trương bà là một người con gái Tuấn đoán là Dung. Từ xa trông vào, Tuấn không thể nhìn rõ nét mặt của mọi người. Chàng văng vẳng nghe:
- Kỳ nghỉ này con về chơi được bao lâu? Trương bà hỏi.
- Dạ  cũng như năm ngoái, con sẽ nghỉ được một tuần.
- Nầy Dung à, Trương ông hỏi, vậy chứ mấy lâu nay con có gặp thằng Tuấn không?
- Ba à Qui Nhơn lớn lắm, làm sao mà con có thể gặp được anh ấy.
- Tuấn cảm động, không ngờ cho tới giờ nầy mà Trương ông còn nghĩ tới chàng.
- Cái ông nầy thật là lẩm cẩm, Trương bà càu nhàu, lúc nào cũng nghĩ tới thằng Tuấn. Ông thương nó chứ nó có thương ông đâu! Nếu nó nghĩ tới ông bấy lâu nay đã chẳng có đôi lần về thăm ông.
Tuấn thầm nói:
- Dạ thưa ông bà, con là thằng Tuấn bằng xương bằng thịt về thăm ông bà đây nầy.
Vì còn bao trọng trách bên mình vả lại sự xuất hiện của Tuấn tại Tây Sơn nầy chỉ đưa chàng vào chỗ chết, do đó Tuấn cúi mặt lặng lẽ, chống lại sự dằn vặt của nội tâm.
Nghe lời qua tiếng lại của cha mẹ về Tuấn, Dung đượm một chút buồn. Thấy nàng có vẻ uể oải, Trương bà nói:
- Từ ngày lên Qui Nhơn học, con ốm đi nhiều. Con phai ráng lo tẩm bổ để có sức mà học chứ."
- Má cứ lo cho con ốm. Con mà ăn mạnh một tý thì lại mập như con heo nái bây giờ. Dì Ba lo cho con rất tận tình, Nhưng con ăn chỉ vừa đủ thôi má à. Ốm như thế nầy con thấy khỏe hơn. Ba má à con không đi Sài Gòn học như ba má dự tính đâu! Ba má đã già rồi lại chỉ có một mình con. Con đâu nỡ xa ba má. Hơn thế nữa xa ba má buồn chết đi được!
- Con ráng đi học đi chứ, Trương ông nói, bộ con sẽ ở với ba má tới già không lấy chồng sao?
- Ai mà thèm lấy chồng.
- Thôi đi cô Hai! Trương bà tiếp lời:
- Má nầy kỳ quá hà. Con đi về phòng.
Hai ông bà nhìn nhau lắc đầu...
 

 

 
Giới Thiệu 1 1-2 2 2-2 3 3-2 4 4-2 5 5-2 6 6-2 7 7-2 8 8-2 9 9-2 10 10-2 Bạt

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ

Sưu Tập

NQ Thương Hận Tập I
NQ Thương Hận Tập II
Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
 
Miếng Ngọt Quê Hương Về Trang Chủ

Friendly Links

Thực Vô Cầu Bão 25 Năm Xây Dựng CĐ Ha Huyen Chi
Cá Kho 25 years of the Community building Gia Đình Võ Bị
Món Xào Gia Phả Họ Nguyễn Diên Trường All Links
Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 07/01/16